Bitcoin trước áp lực lao dốc

(ĐTTCO)-Giá đồng tiền ảo Bitcoin trên CoinDesk đã lập đỉnh kỷ lục vào ngày 14-4, vượt ngưỡng 63.000USD/BTC, theo đó đã có kỳ vọng đồng tiền này sẽ bứt phá lên mức 100.000USD/BTC vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi lên đỉnh điểm, đồng Bitcoin đã lao dốc không phanh.
Bitcoin trước áp lực lao dốc
Nhìn lại những chuỗi ngày trước đó, giá Bitcoin đã có chu kỳ liên tục đi lên. Đến ngày 13-4, đồng tiền ảo này đã vượt khỏi ngưỡng 63.000USD/BTC khi sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ Coinbase được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ chấp thuận việc IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Và đỉnh điểm ngày được ấn định IPO 14-4, Bitcoin lập kỷ lục với mức giá 64.159,84USD/BTC, giá trị vốn hóa thị trường vượt mốc 1.180 tỷ USD.
Đặt trong tương quan so sánh với các loại tài sản khác, Bitcoin có sự tăng giá mạnh mẽ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tính từ đầu năm đến ngày 14-4, đồng tiền ảo này đã tăng giá hơn 100%, còn tính mốc trong vòng 1 năm, giá trị của Bitcoin tăng đến 800%.
Cơn sốt giá Bitcoin bắt nguồn từ chuỗi thiệt hại kinh tế lớn dẫn đến việc chính phủ các nước tung ra hàng loạt gói kích thích quy mô lớn, điều hành lãi suất về mức thấp hơn đã làm bùng nổ lạm phát.
Trong bối cảnh đó, Bitcoin vô hình trung trở thành hàng rào chống lạm phát. Nguồn cung của loại tài sản này hạn chế (trên thế giới chỉ tổng cộng khoảng 21 triệu Bitcoin), đồng thời tài sản này được tách biệt khỏi các chính sách tiền tệ, đã khẳng định được vị thế vững chắc đối với nhà đầu tư.
Đà tăng của Bitcoin từ cuối năm 2020 đã lôi kéo sự chú ý của các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó, sự kiện đáng chú ý nhất là hãng xe điện Tesla của người giàu nhất nhì thế giới Elon Musk, tuyên bố bỏ ra 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin.
Tiếp đó, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Paypal, Visa cũng chấp nhận tiền điện tử này trong giao dịch trên hệ thống của mình. Khi loại tài sản mới nổi này được nhiều tổ chức coi trọng đổ tiền vào, niềm tin của nhà đầu tư càng lớn và giá Bitcoin càng tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, ghi nhận vào 3 giờ chiều ngày 24-4 (theo giờ Việt Nam), giá trị đồng Bitcoin trên CoinDesk đã rơi về mức 50.034USD/BTC, giảm hơn 20% so với mức đỉnh nói trên. Giá trị vốn hóa cũng rơi khỏi mốc 1.000 tỷ USD, chỉ còn dưới 990,54 tỷ USD. Hiện tại, đồng tiền này đang đối mặt mức giảm hàng ngày lớn nhất. 
Vì sao Bitcoin lao dốc? Nguyên nhân được nhắc nhiều nhất là xuất phát từ nơi được xem là trang trại đào coin hàng đầu thế giới tại vùng Tân Cương của Trung Quốc bị mất điện.
Sự cố mất điện khiến chỉ số “harsh rate” thể hiện công suất xử lý của toàn bộ mạng lưới Bitcoin và quyết định mức điện năng các mỏ đào sử dụng để sản xuất ra Bitcoin mới giảm mạnh. Harsh rate giảm đồng nghĩa các giao dịch bị kéo chậm lại, dẫn đến trở ngại cho hoạt động chuyển các đồng Bitcoin lên các sàn giao dịch. 
Cùng lúc với sự cố mất điện, tài khoản FXHedge đã có một dòng tweet trên Twitter rằng Bộ Tài chính Mỹ sắp trừng phạt nhiều tổ chức tài chính vì liên quan đến rửa tiền bằng tiền mã hóa.
Trong khi đó, Quỹ tiền điện tử Digital Asset Capital Management cho biết lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong những ngày gần đây đã ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro hơn trên các thị trường truyền thống, sự thận trọng tràn sang các thị trường tiền ảo có đòn bẩy cao.
Nhưng có lẽ lý do lớn nhất tác động đến đồng Bitcoin là động thái của NHTW nhiều quốc gia gần đây. Ngày càng nhiều quốc gia thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình với các cấp độ khác nhau.
Việc các NHTW có kế hoạch ra mắt những đồng tiền điện tử riêng dẫn đến nhận định không thể thấy tương lai lâu dài của của đồng Bitcoin. Bởi khi các đồng tiền số này xuất hiện, việc sử dụng Bitcoin sẽ bị triệt tiêu, trừ các nền kinh tế ngầm, sẽ tạo áp lực giảm giá lên Bitcoin.
Mạnh tay hơn nữa, một số nước đã bắt đầu siết chặt quản lý đối với đồng tiền ảo này. Ngày 16-4, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh cấm sử dụng tiền ảo để mua hàng hóa, dịch vụ kể từ ngày 30-4, đã khiến Bitcoin lập tức trượt giá tới 5%.
Trước đó vào tháng 3 cũng có thông tin Ấn Độ có khả năng sẽ cấm Bitcoin và phạt bất kỳ ai mua, nắm giữ hoặc bán bất kỳ hình thức tiền kỹ thuật số nào… Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhận định Bitcoin kém hiệu quả trong việc thực hiện các giao dịch và là tài sản có tính đầu cơ cao.
Điều này cho thấy yếu tố hỗ trợ cho đồng Bitcoin ngày càng hạn chế. Thực chất, giá Bitcoin lên rồi lao dốc không phải là điều mới lạ. Cuối năm 2017, Bitcoin đạt mốc 19.000USD/BTC nhưng đến đầu năm 2018 rơi xuống 4.000USD/BTC. 

Các tin khác