Tại buổi họp báo chiều 18/5 do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện cơ quan này đã nêu giải pháp về giảm lệ phí trước bạ để hỗ trợ ngành sản xuất ôtô trong nước.
Trước đó, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thời gian qua, thị trường ôtô giảm đến 34% so với cùng kỳ và giảm 38% đối với các loại ôtô du lịch dưới 9 chỗ.
Từ dẫn chứng này, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho hay các doanh nghiệp trong ngành sản xuất ôtô trong nước đang phải đối mặt với thực tế tồn kho ở mức khá cao, trong khi một số nguyên nhân về tiếp cận vốn, lãi suất tăng cao hay tỷ giá và lạm phát… cũng gây áp lực tới doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Thông tin thêm, vị này cho biết các doanh nghiệp sản xuất ôtô cũng các hiệp hội VAMA và một số tỉnh thành cũng đã có kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ đã báo cáo với Chính phủ xem xét đề nghị giảm thuế, phí trước bạ, đồng thời xem xét gia hạn, chậm nộp với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
“Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xem xét kiến nghị mà Bộ Công Thương nêu,” ông cho hay.
Cũng theo ông Thành, theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, quan điểm của Bộ Công Thương rất ủng hộ giảm 50% phí trước bạ, đề xuất trong năm 2023. Tuy nhiên, thẩm quyền Chính phủ sẽ xem xét.
Tại buổi họp báo, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ôtô, xe máy, cơ khí.
Theo ông, qua quá trình theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới sự sống còn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền hay còn gọi là tiếp sức thì có thể nhiều doanh nghiệp không chắc giữ được sự sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy Bộ Công Thương, trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã đề xuất tiếp tục thực hiện giảm lệ phí trước bạ, tuy rằng, đây chỉ là một biện pháp.
Theo ông Hải, có ý kiến cho rằng ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn về nguồn thu, cho nên việc giảm lệ phí trước bạ sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng thực tế cho thấy, năm 2021 khi thực hiện giảm lệ phí trước bạ thì sản xuất kinh doanh không những giữ vững mà còn phát triển.
“Báo cáo của Bộ Tài chính qua lần đầu tiên thực hiện giảm lệ phí trước bạ thì nguồn thu ngân sách không những bị giảm mà còn tăng lên gần 2.000 tỷ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương có quan điểm ủng hộ việc áp dụng một số các biện pháp, trong đó có việc giảm lệ phí trước bạ,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.