Bò - gấu tranh nhau

(ĐTTCO)-Ngày 13-3, khi TTCK Australia và Trung Quốc tăng điểm, một số nhà phân tích bình luận thị trường đã bị bán quá mạnh trong ngày 12-3 nên tăng một chút cũng bình thường. Nhưng mức tăng hơn 9%/ngày của TTCK Mỹ không có gì là “tăng lại một chút”. Tính ra chứng khoán Mỹ đã lấy lại 90% những gì đã mất trong ngày 12-3 giảm điểm mạnh nhất 30 năm. Trong vòng 2 ngày lên xuống đều ở mức kỷ lục như vậy là không hề bình thường. 
Bò - gấu tranh nhau
Tăng và giảm điểm đều đạt mốc lịch sử
“Tuần lễ từ 9 đến 13-3 là tuần lễ kỳ lạ nhất tôi từng thấy” - một bạn học cũ của tôi đang làm quản lý rủi ro ở ngân hàng của Australia nhận xét. “Đầu tuần người ta bán tháo cổ phiếu Mỹ ào ạt vì nói do giá dầu giảm, bán cả những công ty hưởng lợi từ giá dầu thấp. Trước cuối tuần 1 ngày, người ta bán cổ phiếu trong sự hoảng loạn như thể họ chỉ còn có 1 ngày đó để bán. Ngày cuối tuần, người ta mua lên chả vì cái gì cụ thể. Còn giá cổ phiếu Australia tự nhiên lại tăng rất mạnh sáng nay” - bạn tôi nói.  
Bạn tôi chờ đợi mức phục hồi 1-2% cho thứ sáu ngày 13-3, nhưng cổ phiếu Australia đã lên hơn 4% trước khi những tin hỗ trợ từ Mỹ được đưa ra. Còn cổ phiếu Mỹ đã lại có ngày giao dịch lịch sử, với 3 chỉ số cổ phiếu chủ chốt đều tăng hơn 9%.
Người ta có thể nói rằng phiên tăng điểm cuối tuần qua chủ yếu là chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp nâng cấp tầm chống dịch cúm, bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, xóa lãi vay cho sinh viên, hứa sẽ tiến hành các test virus nhanh (trong khi nhiều bài báo đang cảnh báo Mỹ thiếu thiết bị), và mua dầu dự trữ (mà không nói cụ thể bao nhiêu, khi nào). 
Phát biểu với Bloomberg, Max Gokhman của Quỹ Pacific Life Fund Advisors, nói: “Hầu như không có cái gì cụ thể nhưng nó lại trở thành tin đặc biệt trong ngày”. Thị trường phản ứng cực kỳ mạnh mẽ với tin có thể coi tương tự như ký “séc khống” của Tổng thống Mỹ Donald Trump (như bạn tôi hình dung, vì chả biết bao nhiêu tiền sẽ được chi ra cả).
Trump hứa hẹn trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mnuchin vẫn còn thỏa thuận những điều khoản cuối cùng của gói cứu trợ để giảm tác động của dịch Covid-19. Cho nên nói Trump ký séc khống cho thị trường cũng không sai. Thế nhưng thị trường cũng chấp nhận và xem đó là tín hiệu để mua vào.
Có thể nói, đây là thị trường mua bán dựa trên cảm nhận của nhà đầu tư về nỗi sợ hãi của chính mình và của người khác. Họ chỉ cần vài tín hiệu chính phủ sẽ can thiệp trên diện rộng là đủ để họ cảm thấy bớt sợ. Phản ứng thị trường ngày 13-3 cho người ta cảm giác nhà đầu tư đã bình tĩnh lại.

Bình tĩnh được bao lâu?
Nếu cuối tuần có những tín hiệu khả quan hơn và cụ thể hơn từ gói kích thích kinh tế của Mỹ, cũng như có nhiều biện pháp chống dịch cứng rắn hơn từ châu Âu, có thể sự bình tĩnh lại của nhà đầu tư vào cuối tuần này sẽ kéo dài đến đầu tuần sau. Thị trường Trung Quốc và Australia chỉ mới tăng điểm một ít so với Mỹ vì họ đóng cửa trước khi tin tốt từ Mỹ phát đi. Dư âm này có thể tiếp tục trong tuần tới.
Ẩn số hiện tại là trong mấy tuần qua, những ngày cuối tuần là lúc nhiều tin bất ngờ và tiêu cực về dịch bệnh lan ra, bao gồm những tin như dịch bệnh tăng mạnh ở Anh hay Italia vào cuối tuần, hoặc tin chiến tranh dầu hỏa giữa Ả Rập Saudi và Nga cũng diễn ra vào cuối tuần. Ngày thứ hai trong vài tuần qua thường xuyên là thứ hai đen tối. Nhưng trong tuần tới, tôi có cảm giác nó sẽ bình yên hơn. Đó là vì yếu tố bất ngờ của dịch bệnh đang dần giảm bớt. Những con số dịch bệnh lớn của Mỹ và châu Âu đã không còn quá xa lạ với nhà đầu tư. 
Chỉ số sợ hãi và tham lam (Fear & Greed index) đánh giá tâm lý thị trường Mỹ là cực kỳ sợ hãi (Extreme Fear), với mức chỉ số là 5 vào cuối tuần (trên thang 100 điểm với mức 100 là mức “tham lam” nhất). Khi thị trường đã cực kỳ sợ hãi, chỉ cần vài tin tức có hơi tốt, nhà đầu tư sẽ ngay lập tức vớ lấy chiếc phao đó để bình tĩnh hơn. 

Sau vài ngày thì sao?
Khi đó nhà đầu tư sẽ phải đi tìm kiếm những thông tin cụ thể về hiệu quả của các gói cứu trợ đang được các chính phủ triển khai, sự ảnh hưởng đến nền kinh tế và dự đoán về đỉnh dịch. Đến thời điểm này, các mô hình giả lập của Mỹ và châu Âu đều đã bắt đầu có ít nhiều dữ liệu để đoán thời điểm đỉnh dịch. Đó sẽ là thông tin giới đầu tư chú ý để tính toán thời điểm hợp lý xem có nên bắt dao rơi hay không.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể hồi phục theo hình chữ V như người ta đoán. Nhưng thị trường cổ phiếu không nhất định phản ánh nền kinh tế thực. Trên hết, nó phản ánh dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư. Mà nói tới dòng tiền chưa bao giờ người ta thấy chính phủ các nước chịu chi tiền hỗ trợ nền kinh tế như lúc này, từ cắt giảm lãi suất, bơm tiền qua thị trường repo, cho đến trực tiếp chi tiền tươi để giúp nền kinh tế ổn định lại.
Chắc chắn trong 1-2 tháng tới thị trường không thể bình ổn mà tiếp tục rung lắc mạnh, cho đến khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp công bố. Nhưng có thể cái thời cứ ra thị trường bán khống lời 5-10% sau 1-2 ngày đã qua.
“Gấu” đã không còn dễ dàng đánh bại “bò”. Cuộc chơi sẽ bắt đầu hấp dẫn hơn với những đợt lên xuống đan xen. Trong tháng tới, đây có lẽ vẫn sẽ là thị trường của người mua bán ngắn hạn (trader) hơn là nhà đầu tư dài hạn. Dòng tiền dài hạn sẽ chưa vội vã chảy trở ra.

Các tin khác