Cụ thể, với giá sàn vé máy bay, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên, giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.
Với giá sàn, theo phương án thứ nhất, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.
Phương án thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé máy bay đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng. Nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines còn muốn "thâu tóm" được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Đây không phải là lần đầu hãng hàng không này đề xuất giá sàn. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
Nhưng giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Muốn thay đổi giá trần, ban hành giá sàn thì Bộ GTVT phải ban hành thông tư mới thực hiện được.
Đề xuất này, ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối từ dư luận và các chuyên gia, sau đó, Bộ GTVT đã không chấp thuận đề xuất này.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, do đó, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định.
“Thời điểm hiện tại, Bộ GTVT cũng sẽ chưa bàn đến chuyện áp giá sàn vé máy bay. Quan trọng nhất là ổn định hoạt động vận tải hàng không khi dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp. Mọi việc đều phải tuân thủ pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp”, vị đại diện Bộ GTVT cho biết.
Đại diện Bộ GTVT khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là nếu có xem xét điều chỉnh thì cũng phải theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách. Để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ. Ngược lại, mọi doanh nghiệp cạnh tranh cũng phải bình đẳng.
Triệt tiêu động lực cạnh tranh, thiệt cho người dân
Nhìn nhận về đề xuất của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất, sẽ vô hình chung triệt tiêu động lực cạnh tranh, hành khách sẽ mất đi cơ hội có vé giá rẻ và còn vi phạm Luật Cạnh tranh.
Nếu áp giá sàn vé máy bay và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa cơ quan quản lý đã "hy sinh" lợi ích của người dân khi không còn được mua vé máy bay giá rẻ để cho Vietnam Airlines được hưởng lợi.
Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ tới báo chí, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.
Đến nay, đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines tiếp tục vấp phải "làn sóng" dư luận phản đối và các chuyên gia kinh tế băn khoăn rằng, mục đích của việc áp trần vé máy bay của Vietnam Airlines có phải là muốn "tước" đi cơ hội của hành khách được mua vé máy bay giá rẻ? việc áp giá sàn vé máy bay vì lợi ích của doanh nghiệp hay vì hành khách, ai là người hưởng lợi?
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, với giá vé máy bay mà các hãng hàng không đang mở bán đã tạo ra một cơ chế thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh. Cũng chính từ sự cạnh tranh này mà hành khách mới có cơ hội được mua vé máy bay giá rẻ với dịch vụ hàng không chất lượng.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết: "Nếu muốn ngành hàng không phát triển thì nhà nước cần phải để cho các hãng hàng không cạnh tranh sòng phẳng và cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất".
"Việc cạnh tranh giữa các hãng hàng không cũng là để cải tiến về công nghệ, về dịch vụ, chất lượng của các chuyến bay, khi đó, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn vé máy bay. Trong trường hợp nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường", TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Hàng không tư nhân đang tạo ra cạnh tranh bình đẳng, người dân hưởng lợi
Các chuyên gia hàng không thẳng thắn chỉ rõ, chính các hãng hàng không tư nhân đã tạo ra thị trường hàng không cạnh tranh, giúp ngành hàng không phát triển cả về số lượng và chất lượng so với thời kỳ độc quyền của Vietnam Airlines. Tại sao lại ứng xử bất công với những hãng bay tư nhân đã làm cho ngành hàng không tốt hơn lên như vậy?
“Cách quản lý ngành hàng không hiện nay đang làm méo mó thị trường, gây hoang mang cho nhà đầu tư và các hãng hàng không tư nhân. Hãng hàng không Vietnam Airlines càng lỗ càng được hỗ trợ từ nguồn vốn đến chính sách, trong khi các hãng hàng không tư nhân cũng lỗ thật nhưng chưa được hỗ trợ. Ngược lại, các hãng này đang "phải" tạo lãi để không bị ngân hàng hạ tín nhiệm dẫn đến phải vay vốn với chi phí lãi suất cao hơn và Ủy ban chứng khoán cắt margin (theo quy định, công ty niêm yết sẽ bị cắt margin nếu lỗ 2 quý liên tiếp)”, vị chuyên gia phân tích.
Theo vị chuyên gia này, Vietnam Airlines tốt nhất phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật chấp nhận “đau thương” để cải tổ lại hãng Hàng không Quốc gia, để từ đó Vietnam Airlines tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với các hãng hàng không tư nhân. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chấm dứt nuông chiều hãng này. Ngành hàng không đang rất khó khăn và rất cần được hỗ trợ.
Đặc biệt, việc áp giá sàn này còn có thể vi phạm nhiều luật như Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nên cần phải xem xét thận trọng.
Không nước nào áp dụng giá sàn vé máy bay
Các chuyên gia cho rằng, tại các nước phát triển họ không quy định khung giá vé máy bay như Việt Nam. Nguyên tắc quản lý giá của họ là hậu kiểm, không kiểm soát hằng ngày. Nhưng khi phát sinh đơn kiện liên quan đến một trong ba nội dung dưới đây thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử lý.
Thứ nhất là hãng hàng không có sử dụng vị thế lớn, độc quyền về mặt thị trường của mình để chèn ép, tiêu diệt đối thủ; thứ hai là có dùng vị thế độc quyền bán để bán giá quá cao hoặc quá thấp hay không; thứ ba là có sử dụng các hỗ trợ của Nhà nước tạo ra để bán phá giá, chèn ép công ty khác.
Theo chuyên gia, về nguyên tắc hành khách được tiếp cận giá rẻ phụ thuộc vào chính sách, giá thành của từng hãng theo từng chuyến bay, đường bay, mạng bay để kinh doanh. Nhưng nếu thấy hãng hàng không A bán giá rẻ quá, thấp hơn giá thành nhờ tận dụng những nguồn lực khác như ngân hàng, bất động sản thì hãng hàng không B có thể khởi kiện theo luật cạnh tranh.
Do vậy, các hãng nên phối hợp hết sức hòa bình, không móc ngoặc để đạt hiệu quả kinh doanh theo cách cùng thắng (win - win) là tốt nhất.
Với giá sàn, giá trần, chuyên gia nêu trên cho rằng đây là vấn đề kinh tế có tác động xã hội rất phức tạp nên cần đánh giá kỹ. Hãng A đề xuất giá sàn cũng có cái lý của họ, nhưng mức giá như thế nào lại rất phức tạp.
Hãng A muốn một giá sàn chung cho tất cả, nhưng hãng B không muốn vì phân khúc thị trường khác. Một hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ trong giá vé thì không thể bán cùng mức giá sàn với hãng giá rẻ tiết giảm nhiều dịch vụ. Nếu chung một giá sàn thì không bình đẳng.
Nếu quy định giá sàn thì hãng giá rẻ phải có giá sàn thấp hơn hãng truyền thống, bởi vì xây dựng giá sàn phải dựa trên nguyên tắc chi phí, trong khi các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ thì chi phí sẽ đắt hơn hãng giá rẻ.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính đánh giá: "Việc áp giá sàn vé máy bay có thể là những biểu hiện triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh".
PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, hiện nay, chúng ta chưa có sự cạnh tranh lành mạnh về thị trường hàng không và thị trường xăng dầu. Tại sao lại chưa cạnh tranh lành mạnh? Vì do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%.
"Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn vé máy bay, bởi việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Long nói.