Chiều nay, 8-6, Quốc hội sẽ thảo tại hội trường về dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa gửi tới các vị đại biểu (ĐB) Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại phiên thảo luận tổ về nội dung này.
Theo báo cáo, tại thảo luận tổ, có ý kiến nhận định, dường như dự thảo nghị quyết tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, trong khi các chính sách thu ngân sách (thuế, phí…), khai thác nguồn lực còn hẹp.
Bộ KH-ĐT nêu rõ, dự thảo nghị quyết đã quy định 8 nội dung về khơi thông nguồn lực, giúp thành phố có thêm nguồn thu ngân sách. Trong đó có việc áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp…
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP; chính sách khơi thông nguồn lực đối với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC); thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu.
Chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng sẽ đóng góp cải thiện nguồn thu. TPHCM cũng sẽ được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Giải trình thêm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), Bộ trưởng nêu rõ, mô hình này sẽ tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai để phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan đồng bộ, hiện đại như mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc).
Đây là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đô thị.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, việc thiết kế các chính sách nhằm đảm bảo cân đối thu - chi là rất quan trọng, vì trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của TPHCM rất lớn, dự kiến khoảng 672.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu.
TPHCM dự kiến huy động thêm từ các nguồn lực theo quy định pháp luật, nhu cầu vay khoảng 92.020 tỷ đồng. Nếu triển khai vay, nhận nợ theo đúng tiến độ thì từ sau năm 2026 TP sẽ khó bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp do dư nợ vay năm 2026 là 83.015 tỷ đồng trong khi hạn mức dư nợ vay tối đa của TP năm 2026 là 93.527 tỷ đồng.
"Trong quá trình triển khai thực hiện (sơ kết, tổng kết nghị quyết) xuất hiện các chính sách đặc thù, hợp lý sẽ được TPHCM tổng hợp và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ.