Bổ nhiệm cán bộ bằng chính sách thi tuyển cạnh tranh để thu hút nhân tài

(ĐTTCO) - Bộ Chính trị vừa ban hành Thông báo 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đặt ra yêu cầu nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Các thi sinh tham dự kỳ thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các thi sinh tham dự kỳ thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết quả chưa như mong muốn

Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập cụ thể đến nhiệm vụ thu hút nhân tài. Lâu nay, TPHCM cũng xác định phát triển phải dựa trên nền tảng trí thức, mà đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, những năm qua, Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương nhằm tăng cường nguồn lực cho hệ thống chính trị của thành phố. Từ chủ trương đó, UBND TPHCM đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu.

Cụ thể, UBND TPHCM đã ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022. Năm 2022, UBND TPHCM tiếp tục ban hành chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm.

Đó là lĩnh vực công nghệ thông tin (gồm trí tuệ nhân tạo - AI, internet vạn vật - IoT, dữ liệu lớn - Big Data, an ninh mạng, điện toán đám mây); lĩnh vực cơ khí ô tô; lĩnh vực tự động hóa; lĩnh vực logistics, lĩnh vực du lịch, xây dựng và công nghệ môi trường...

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Hùng Tấn cho biết, theo chính sách thu hút của TPHCM, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được hưởng trợ cấp ban đầu tối đa đến 100 triệu đồng, nhận lương hàng tháng theo bảng lương chuyên gia. Người có tài năng đặc biệt được hưởng trợ cấp 30-50 triệu đồng/tháng.

Khi có công trình, sản phẩm khoa học hoặc thành tích đặc biệt, họ được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỷ lệ 1% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình, sản phẩm khoa học (mức hưởng tối đa lên tới 1 tỷ đồng/người). Ngoài ra, họ còn được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tối đa 7 triệu đồng/tháng và các chính sách ưu đãi khác.

Thế nhưng, trong giai đoạn 2014-2018, TPHCM chỉ thu hút được 17 chuyên gia, nhà khoa học về công tác tại 4 cơ quan, đơn vị thí điểm ở Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học.

Năm 2020, TPHCM có nhu cầu cho 14 vị trí ở các cơ quan, đơn vị khu vực công. Đến năm 2021, TPHCM thu hút được 5 chuyên gia, trong đó có 2 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó cho thấy, kết quả thu hút nhân tài của thành phố thực hiện mới có ý nghĩa bước đầu và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Thiết lập kênh hội tụ người tài giỏi

Thời gian qua, số lượng các chuyên gia TPHCM thu hút được còn rất hạn chế và nhiều trường hợp không tiếp tục làm việc sau khi hết hợp đồng. Ngoài các chính sách thu hút, UBND TPHCM đang triển khai đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM.

Theo đề án này, cần có thời gian thực hiện theo lộ trình, đó là năm 2022 tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Từ năm 2023 trở đi tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; đồng thời triển khai tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương.

Dưới góc nhìn một nhà quản lý về lĩnh vực KH-CN, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận xét, chính sách, cơ chế thu hút trong lĩnh vực KH-CN dù phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, dẫn đến chưa phát huy hết tiềm lực đội ngũ trí thức.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng nhìn nhận, chế độ, chính sách tiền lương dù đã được thành phố mạnh dạn áp dụng cơ chế ưu đãi rất cao nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và giữ chân đội ngũ chuyên gia. Việc chú trọng xây dựng môi trường khoa học và tạo điều kiện cho chuyên gia có không gian phát triển chuyên môn còn nhiều khó khăn, bất cập do điều kiện vật chất và uy tín của cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực còn hạn chế.

Trước những bất cập trên, TPHCM tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một cơ chế, chính sách cho lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo điều kiện thu hút đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cũng cho rằng, chính sách đãi ngộ cần hấp dẫn hơn nhằm thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học yên tâm sáng tạo, làm việc. Đồng thời ưu tiên “đặt hàng” nhiệm vụ KH-CN có hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực quốc tế trong hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo.

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, phân tích thêm, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã định hướng, mở ra không gian để TPHCM phát huy mạnh mẽ hơn lợi thế và chủ động trong thực hiện các cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là cơ sở để TPHCM đề xuất trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, cho phép TPHCM được chủ động xây dựng cơ chế, chính sách riêng, đột phá, vượt trội để thu hút, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài.

Theo TS Bùi Ngọc Hiền, từ thực tiễn và từ yêu cầu của Thông báo 50 của Bộ Chính trị, TPHCM cần mạnh dạn đề xuất các chính sách đặc biệt về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là cần đề xuất thí điểm tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự giỏi vào các vị trí quản lý, lãnh đạo theo phương thức thi tuyển cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, giải pháp như: công khai mời gọi, “đặt hàng” thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề; thiết lập kênh để “hội tụ nhân tài”; tôn vinh, đãi ngộ và đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc, phát triển đủ sức “cạnh tranh” với khu vực tư.

Các tin khác