Theo phản ánh của cử tri tỉnh Lào Cai, hiện nay, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ tiếp thị, tư vấn người dân thực hiện các giao kết hợp đồng bảo hiểm nhưng trên hợp đồng có nhiều từ ngữ khó hiểu gây bất lợi cho người tham gia bảo hiểm. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp khi xảy ra sự vụ thì người mua bảo hiểm nhân thọ không được hưởng các chế độ bảo hiểm, gây thiệt hại kinh tế cho người tham gia bảo hiểm.
Do đó, cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty bảo hiểm nhân thọ, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Kiến nghị của cử tri Lào Cai về tranh chấp nảy sinh của khách hàng với bên bán bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ không nhận được những lợi ích như kỳ vọng ban đầu không chỉ diễn ra ở tỉnh này mà còn khá phổ biến ở nhiều nơi khác.
Thậm chí, có trường hợp nhân viên tư vấn bảo hiểm còn cố tình tư vấn sai luật như trường hợp sau đây là một ví dụ. Theo phản ánh của một nữ khách hàng tại Hà Nội, con của bà phẫu thuật ở khoa ngoại Bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công An và bị từ chối do bệnh viện này là một cơ sở y tế/bệnh viện không chuẩn theo định nghĩa. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn không nắm rõ sản phẩm, điều khoản và vẫn yêu cầu khách hàng nộp đầy đủ hồ sơ khiến vị khách hàng này bức xúc vì vừa mất thời gian, lại mất thêm tiền bạc để làm hồ sơ bệnh án.
Theo giới phân tích, một phần bởi hợp đồng bảo hiểm quá phức tạp, quá dài lại "cài cắm" những điều khoản ràng buộc, hoặc khách hàng không hiểu rõ điểm bị loại trừ hay không được nhân viên tư vấn rõ ràng nên nhiều khi lâm cảnh "bút sa gà chết", bị vô hiệu hóa quyền lợi.
Để tăng cường quản lý trong lĩnh vực này, trong Công văn số 9949/BTC-QLBH hồi đáp cử tri tỉnh Lào Cai, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua đang tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật. Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. Trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với nội dung được phân công tại Luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023.
Đáng chú ý, trong nghị định này bổ sung các điều kiện đối với các tổ chức tín dụng thực hiện phân phối sản phẩm bảo hiểm nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng, chất lượng của kênh phân phối và trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện hoạt động này.
Theo đó, "tổ chức tín dụng phải thiết lập quầy riêng để thực hiện hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm; phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo nhân viên tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan", Bộ Tài chính nêu rõ.
Bên cạnh đó, Nghị định 46/2023/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức tín dụng, phối hợp với tổ chức tín dụng trong việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý.
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay cơ quan này đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như liên kết đầu tư theo hướng nâng cao tính minh bạch thông tin.
Theo phản ánh của một nữ khách hàng tại Hà Nội, con của bà phẫu thuật ở khoa ngoại Bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công An và bị từ chối do bệnh viện này là một cơ sở y tế/bệnh viện không chuẩn theo định nghĩa. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn không nắm rõ sản phẩm, điều khoản và vẫn yêu cầu khách hàng nộp đầy đủ hồ sơ khiến vị khách hàng này bức xúc vì vừa mất thời gian, lại mất thêm tiền bạc để làm hồ sơ bệnh án.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung tài liệu tóm tắt về quy tắc điều khoản hợp đồng để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019 về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
"Nội dung dự thảo nghị định này sẽ quy định rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn các nội dung xử phạt liên quan đến công tác bán bảo hiểm qua ngân hàng và tổ chức tín dụng. Hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể đối với từng hành vi vi phạm và tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm", Bộ Tài chính thông tin.
Theo đó, cơ quan này đề xuất phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng, gấp đôi mức hiện hành từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối...
Cũng theo Bộ Tài chính, về công tác thanh tra, kiểm tra, từ tháng 9/2022 đã triển khai thanh tra chuyên đề bán bảo hiểm qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Bộ này đã lưu hành kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm (Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife) và thực hiện công khai kết luận thanh tra theo quy định pháp luật, đồng thời thông tin báo chí về kết quả thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm này.
Qua thanh tra phát hiện các hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh bancassurance.
Cụ thể, nhiều đơn vị ban hành quy trình, quy chế chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, không tuân thủ biểu phí sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định của doanh nghiệp và quy định pháp luật khi triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, hay hạch toán chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm không đúng quy định pháp luật.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang tiến hành rà soát các hành vi vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm để xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành thanh tra đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
Qua thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tổng số tiền là 15.488 tỷ đồng, trong đó, loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên với tổng số tiền là 1.520,99 tỷ đồng.