Vẫn vướng mắc cách tính giá
Thảo luận tại hội trường về các phương pháp định giá đất, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) băn khoăn: “Càng lắm phương pháp càng rối. Các phương án khác nhau cho ra mức giá khác nhau thì xử lý thế nào. Luật nói chọn phương pháp nào có lợi nhất cho ngân sách nhà nước, nhưng như thế liệu có đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và người dân không”?
Liên quan đến nguyên tắc “xác định giá đất tiệm cận thị trường”, ĐB Trần Văn Khải nhấn mạnh, muốn thực hiện được thì cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ.
Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thông tin đầu vào để xác định giá đất, bổ sung các quy định nhằm số hóa đất đai đầu vào để thu thập dữ liệu về biến động thị trường, cập nhật thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, hiệu quả, tin cậy về các giao dịch trên loại đất, thửa đất.
Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội. Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu, sáng 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Chia sẻ mối quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề xuất mở rộng điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về bố trí đất đai cho đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo ở những địa bàn khó khăn như biên giới, hải đảo… Từ đó tạo điều kiện cho đồng bào bám đất, bám biển, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia.
Làm rõ khái niệm “chỉnh trang đô thị”
Đề cập đến một vấn đề quan trọng trong thiết kế đô thị là phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận định, với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, bước đầu đã có cơ sở pháp lý để tháo gỡ một số “nút thắt” liên quan đến huy động nguồn lực, tạo sự đồng thuận của người dân để áp dụng TOD, song vẫn chưa đủ.
Đề nghị làm rõ khái niệm “chỉnh trang đô thị” cũng như khái niệm “tái điều chỉnh đất” và “tái phát triển đô thị”; bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách, quan điểm định hướng đối với các công việc này. Theo ĐB, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất không gian ngầm vẫn còn những bất cập cần được khắc phục.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng mối quan tâm, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu vấn đề: theo Luật Đất đai năm 2013, phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng, có toàn quyền khai thác, sử dụng khoảng không gian bên trên và trong lòng đất. Như vậy, trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, dẫn đến bất cập trong việc tận dụng tối đa nguồn lực về đất đai.
Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm “quyền bề mặt” của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, nghĩa là khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa trực tiếp sử dụng cụm từ “quyền bề mặt” nên chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Việc cụ thể hóa quyền bề mặt trong dự thảo Luật Đất đai còn giúp giải quyết những bất cập khác, chẳng hạn như về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, hoặc xây dựng các công trình ngầm.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ về định hướng luật hóa chủ trương của Nghị quyết 18 về đất xây dựng công trình trên không, gắn với cụ thể hóa quy định quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự. Nếu đây là vấn đề mới, trước mắt cần quy định một số nguyên tắc chung theo hướng mở và giao Chính phủ quy định chi tiết để giải quyết vướng mắc này, đáp ứng kịp thời sự thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn.
Cuối năm 2025 sẽ xây dựng xong bảng giá đất
Phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến ĐB cuối chiều 21-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, thực hiện bảng giá đất hàng năm. Dự kiến đến cuối năm 2025 xây dựng xong bảng giá đất.
“Quá trình xây dựng bảng giá đất đầu tiên là khó khăn nhất, dùng các phương pháp để có bảng giá đất sát đúng và giao HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất này”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói. Tuy nhiên, khi đã có bảng giá đất rồi thì việc cập nhật giá đất hàng năm sẽ không mất nhiều thời gian, công sức.
Về phương pháp định giá đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết, dự thảo luật đưa ra 4 phương pháp và để bao trùm tất cả trường hợp cần định giá. Về bồi thường hỗ trợ tái định cư, “cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ” không chỉ là về kết cấu hạ tầng nơi tái định cư mà còn bao hàm việc lựa chọn vị trí tái định cư cho người dân.
Điều này rất quan trọng vì vị trí đó vừa phải là nơi ở, vừa thuận tiện cho người dân mưu sinh phù hợp với phong tục tập quán… “Chính quyền phải đối thoại với người dân để xác định vị trí tái định cư và có chính sách hỗ trợ sinh kế. Ban soạn thảo luật sẽ cố gắng cụ thể hóa những vấn đề này”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.