Theo ông Hưng, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua một số gói kích cầu về tài chính nhằm hỗ trợ cho người lao động.
Cụ thể như gói 50.000 tỷ xây nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội; cho khách hàng là công nhân tại các khu công nghiệp vay mua nhà; 15.000 tỷ để ngân hàng bù lãi suất cho người mua nhà, cho vay sửa chữa nhà…
Cũng theo ông Hưng, thời gian gần đây thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi khi lượng giao dịch tăng khá, nhiều dự án tái khởi động tạo thêm nguồn cung trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống.
Dự báo về thị trường bất động sản quý 4/2021, nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý 3, không chỉ ở TPHCM mà cả các địa phương lân cận khác. Theo đó, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước.
Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh, tuy dịch bệnh kéo dài gây nhiều tổn thất nhưng giá bất động sản đều tăng rất nhiều, nhất là các sản phẩm để ở và bất động sản vùng ven do quỹ đất không còn.
Các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương cũng không còn quỹ đất tốt, có pháp lý hoàn thiện nên các doanh nghiệp phải ra xa nữa mới tìm kiếm được quỹ đất để phát triển dự án. Điều này khiến các quỹ đất eo hẹp và giá vì thế cũng tăng giá cao. Không những thế, các chi phí vốn, xây dựng, tiền sử dụng đất cũng tăng mạnh khiến giá bất động sản tăng theo.
Thực tế hiện nay phát triển bất động sản ở các tỉnh không chỉ dựa vào TPHCM mà ở nơi đây đều có các trung tâm để thu hút dân về, ngay cả TPHCM cũng không còn lấy quận 1, 3 là trung tâm mà có các trung tâm đã dời về các quận, từng quận là từng trung tâm riêng. Các tỉnh vệ tinh của TP cũng có các trung tâm nên giá cũng tăng nhiều.
Các tỉnh vệ tinh hiện nay về mức độ kết nối hạ tầng tốt vào trung tâm tỉnh và vào TPHCM nên giúp cho kéo gần khoảng cách di chuyển, đi lại không còn khó khăn như trước đã khiến thị trường bất động sản và giá tăng mạnh.
Ngoài ra, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn, là kênh đầu tư được người dân ưa chuộng nhất, nên càng dịch bệnh người dân càng chọn bất động sản là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lõng giãn cách, được đi lại.
Các chuyên gia tại hội thảo dự báo, nguồn cung mới quý 4, toàn bộ khu vực TPHCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, TPHCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp.
Dự kiến, nguồn cung căn hộ của TPHCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực do các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh cho đến hết năm 2021, ngoại trừ một vài địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh.
Sức mua chung trong quý 4, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3. Điểm sáng của quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.