Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và khó khăn về nguồn vốn, việc phát triển nhà ở xã hội tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đang gặp khó khăn. Mặc dù các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp vẫn tiếp tục được triển khai nhưng tiến độ còn chậm.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng và 2 dự án mới được xây dựng.
Trước đó, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Tuy vậy, theo thống kê của các địa phương, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (từ năm 2011), tính đến nay, cả nước mới hoàn thành 254 dự án tương đương khoảng 108.800 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2.
Hiện có 271 dự án vẫn đang triển khai, tương đương khoảng 256.500 căn với tổng diện tích hơn 12,8 triệu m2.
Theo đại diện Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu là bởi tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng.
Tiếp đó là hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc...
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Qua đó, Nghị định đã góp phần tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội như: Quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án Khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp thực trạng, khó khăn bất cập và đề xuất các giải pháp chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ ban hành chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 vào quý 4/2021.