Giảm lãi suất là nhiệm vụ
Sáng sớm ngày làm việc cuối cùng của năm 2022, anh Nguyễn Sơn, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM, hối hả chạy ra phòng công chứng để làm thủ tục công chứng, nhằm hoàn tất các thủ tục vay 20 tỷ đồng. “May quá, cuối cùng ngân hàng cũng chịu giải ngân. Nếu không, kế hoạch kinh doanh của năm sau sẽ khó vô cùng”, anh Sơn cho biết và nói thêm, một người bạn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vừa vay được 50 tỷ đồng.
Thực ra, dòng tiền chảy vào trở lại nền kinh tế không đơn thuần là chỉ dấu hồi phục mà còn là nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn lại những tháng cuối năm nay, áp lực cân đối kinh tế vĩ mô đã đè nặng lên vai nhà điều hành. Kiên trì với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, NHNN đã giữ chặt van tín dụng. Đồng thời để giữ ổn định VNĐ, NHNN bán dự trữ ngoại hối, qua đó VNĐ bị hút về khiến thanh khoản ngân hàng căng thẳng. Cơ quan này đã 2 lần tăng lãi suất điều hành và nâng trần lãi suất cho tiền gửi tiết kiệm dưới 6 tháng trong tháng 9 và tháng 10, mỗi lần tăng 1%/năm. Trong hoàn cảnh đó, các nhà băng buộc phải tăng lãi suất đầu ra.
Đến tháng 12, các nút thắt nói trên đã được NHNN tháo gỡ. Sau khi cơ quan quản lý nới tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn bạc thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh. Tại đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN, nền kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh, đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi, ngân hàng nào khó khăn thì báo cáo để NHNN có biện pháp hỗ trợ.
NHNN cũng có nhiều động thái hỗ trợ hệ thống về thanh khoản để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất. Cuối tháng 11, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét khi giao dịch tại các NHTM giảm khoảng 1.100 đồng so với mức đỉnh đầu tháng 11. Đà hạ nhiệt của tỷ giá tiếp tục duy trì trong nửa đầu tháng 12. Thoát áp lực tỷ giá, NHNN đã áp dụng trở lại hợp đồng repo (hợp đồng mua kỳ hạn giấy tờ có giá), kỳ hạn 91 ngày, bơm tiền dài hơi hơn cho các nhà băng thời điểm cuối năm. Chỉ trong 3 tuần, từ ngày 28-11 đến 16-12, gần 115.398 tỷ đồng đã được NHNN “bơm” ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) thông qua 2 loại hợp đồng kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày. Tiếp đó, NHNN đã niêm yết trở lại giá chào mua USD, ở mức 23.450 đồng/USD sau 3 tháng rưỡi ngưng công bố giá mua tại Sở Giao dịch NHNN. Như vậy, NHNN không chỉ bán USD ra để ổn định tỷ giá như trước, thay vào đó có thể sẽ mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, bơm VNĐ vào nền kinh tế.
Nỗ lực từ hai phía
Sau khi có các chính sách hỗ trợ từ NHNN, các NHTM đã rầm rộ công bố giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, LienVietPostBank ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất vay tới 1%/năm cho khách hàng DN, nhất là hoạt động xuất khẩu, đem về nguồn thu ngoại tệ. ABBank dành lãi suất ưu đãi chỉ 5,5%/năm cho khách hàng vay ngắn hạn bằng VNĐ phục vụ sản xuất kinh doanh cho một số ngành ưu tiên... Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết, đến tháng 12, VietinBank được NHNN giao tín dụng tăng thêm 2%, tương đương 20.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, đơn vị đã tổ chức ngày hội tăng trưởng tín dụng, giao các chi nhánh đẩy mạnh hoạt động cho vay và ngay trong ngày này tín dụng đã tăng thêm 1%. Nhờ đó, kết thúc năm 2022, VietinBank cán đích tăng trưởng tín dụng 12,7%. “Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và ngân hàng nỗ lực trong giải ngân hỗ trợ lãi suất trong toàn ngành”, ông Trần Minh Bình chia sẻ.
Thu mua ngoại tệ tại một ngân hàng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 đạt 12,6%, ước dư nợ tín dụng cả năm tăng khoảng 14%. Trong đó, cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 68-70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn được triển khai xuyên suốt, lãi suất tối đa 5,5%/năm đã đạt dư nợ khoảng 200.000 tỷ đồng. Số liệu chung của toàn hệ thống cũng cho thấy, tín dụng đang tăng trưởng tích cực. Đến ngày 21-12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy, ngành ngân hàng đang tích cực trong việc bơm vốn hỗ trợ nền kinh tế. Tất nhiên, chính sách vay vốn dù đã cởi mở hơn, nhưng vốn tín dụng không dành cho tất cả. Việc cho vay có điều kiện cụ thể, không thể hạ chuẩn, cho vay với những DN đang lỗ… vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân. Thế nên, muốn tín dụng đến với DN, cần sự nỗ lực của từ hai phía. TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, khuyến cáo: “Trong các nhóm DN được ưu tiên cho vay vốn có nhóm ngành sản xuất, kinh doanh. Nhưng để tiếp cận được vốn ngân hàng, nhóm này cần chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý cũng như chứng minh năng lực sản xuất, mô hình kinh doanh hợp lý để ngân hàng tin tưởng cấp vốn”.
Không để thiếu vốn cho người dân và DN
“NHNN điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát; vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do NHNN tổ chức