(ĐTTCO) - Tại Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000-60.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Để làm rõ hơn vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Phải nâng tầm cho nông dân
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định thế nào về sự phát triển của lĩnh vực NNCNC hiện nay?
Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với ngành nông nghiệp là phải giải quyết bài toán liên kết chuỗi giá trị. Muốn vậy phải đi từ gốc của vấn đề, tức phải thay đổi chính sách và trước hết phải có được những con sếu đầu đàn, tức phải có DN và hợp tác xã đi đầu. |
TS. TRẦN DU LỊCH: - Nền nông nghiệp nước ta duy trì quá lâu ở quy mô nông hộ, do đó lĩnh vực nông nghiệp khó hấp thụ vốn, công nghệ và giải quyết bài toán thị trường. Đó cũng là lý do không đưa được công nghệ cao vào nông nghiệp. Để giải quyết được những vấn đề này, phải có những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Năm 2001, TPHCM đã đặt vấn đề phát triển 2 loại sản phẩm giống (giống cây, giống con) và cây cảnh, hoa kiểng có giá trị gia tăng cao. Với chủ trương này, TPHCM đã đầu tư xây dựng khu NNCNC và Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP. Lúc đầu chọn Trại rau Đồng Tiến làm khu NNCNC, nhưng do đây là đất đô thị nên không thể làm nông nghiệp, vì vậy sau 4-5 năm lại bỏ và chuyển sang huyện Củ Chi, sau nhiều năm giải tỏa đền bù hiện giờ mới hoàn thành một phần.
Trong khi đó, nhiều DN đã tham gia NNCNC lại rất thành công. Khi tôi đến nông trại của TH True Milk tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, thấy được quy trình từ trồng cỏ đến nuôi bò sữa, chế biến sữa theo công nghệ của Israel, phải nói rằng đó thật sự là công nghệ cao. Họ kiểm soát, quản lý từ khâu trồng cây hướng dương, cây bắp, cây cỏ để ủ cho bò. Cây được xuống giống và khi đến mùa hướng dương nở, họ sẽ cắt cùng một lúc về ủ, quả bắp cũng được cắt đồng loạt khi vừa ươm sữa. Hoa hướng dương và quả bắp đều cùng kích cỡ khi thu hoạch để ủ thức ăn nuôi bò và muốn làm được điều này cần phải kiểm soát sinh học.
Phát triển trồng lan kiểng theo ứng dụng NNCNC tại Củ Chi. Ảnh: LONG THANH |
Hiện nay bắt đầu có dấu hiệu tốt, đó là các DN lớn đều tham gia vào lĩnh vực NNCNC như CTCP Ô tô Trường Hải, CTCP Him Lam, Tập đoàn Vingroup… tạo mầm mống hình thành các trang trại NNCNC. Những mô hình này cho phép giải quyết được các vấn đề về công nghệ, giải quyết về thị trường. Đồng thời với quy mô đó, họ mới vay được vốn, thuê được chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Bởi vì lương thuê một chuyên gia nước ngoài loại 1 tại một số DN cách đây 2 năm khoảng 30.000USD. Hợp đồng làm việc của một chuyên gia 3 năm, trong thời gian đó họ sẽ phải đào tạo được 3 chuyên gia Việt Nam thay thế. Sau khi chuyển giao công nghệ, người Việt Nam sẽ tự làm. Điều này nông dân cá thể không thể làm được.
Không nên phân biệt nông nghiệp và NNCNC
- Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc mở một gói tín dụng 50.000-60.000 tỷ đồng hỗ trợ DN làm NNCNC?
- Chuyện cho vay vốn đối với các dự án NNCNN không mới, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý có thêm một gói tín dụng, đây là một chủ trương rất tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng nông nghiệp vẫn đang là lĩnh vực với khả năng hấp thụ nguồn tín dụng hạn chế, dù là 1 trong 5 ngành ưu tiên cấp tín dụng và chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Nay tách ra một phần NNCNC để cấp một gói tín dụng cũng cần thiết, nhưng tôi nghĩ có lẽ nên mở gói tín dụng 50.000-60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, trong đó bao gồm cả dự án NNCNC chứ cũng không nên đặt vấn đề NNCNC sẽ được ưu đãi hơn nông nghiệp. Rút kinh nghiệm từ lĩnh vực công nghiệp, việc tách biệt riêng cái nào công nghệ cao, cái nào không phải công nghệ cao rất khó. Nói tóm lại, nên chủ trương tăng thêm nguồn tín dụng cho nông nghiệp, trong đó ưu tiên mở rộng NNCNC trên nền tảng chính sách ưu đãi nông nghiệp. Còn về gói tín dụng bao nhiêu cần xem xét tùy theo khả năng hấp thụ vốn của ngành.
- Nhưng đặc thù cho vay nông nghiệp là dễ gặp rủi ro, vậy nếu mở gói tín dụng này cần thêm điều kiện gì để NH yên tâm rót vốn?
- Vài năm gần đây, tín dụng dành cho nông nghiệp đã xác định hướng đến NNCNC, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường và quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. Các NH cũng khá ưu đãi cho DN vay vốn phát triển nông nghiệp. Nhưng nếu đưa ra gói tín dụng như vậy cần phải xem xét ưu đãi lãi suất, ưu đãi thời hạn cho vay hay ưu đãi vấn đề gì. Nếu ưu đãi lãi suất, vấn đề đặt ra là phải xác định rõ ràng tiêu chí để xác định công nghệ cao như thế nào, tức cần phải có một hệ thống tiêu chí công nghệ cao tương tự như công nghiệp kỹ thuật cao. Đối với lĩnh vực NNCNC, nếu không có DN sẽ khó làm được, nên cần có chính sách để DN đi vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn.
Đồng thời, do rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao, muốn phát triển tín dụng cần phải phát triển bảo hiểm nông nghiệp, nếu không rủi ro về thời tiết sẽ tác động lớn đến khả năng trả nợ của người vay. Cơ chế bảo hiểm nông nghiệp có nhưng hiện nay chưa phổ biến, với nông dân cho rằng nếu bỏ ra mua bảo hiểm sẽ gia tăng chi phí, còn với các công ty bảo hiểm cũng chưa mạnh dạn vì rủi ro cao, thời tiết biến đổi thất thường. Vì vậy, cần phải có chính sách để ngành bảo hiểm gắn kết với lĩnh vực này.
- Xin cảm ơn ông.