Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo thống kê đến thời điểm năm 2019, đã huy động được khoảng 244.086 tỉ đồng để đầu tư 70 dự án giao thông theo phương thức PPP, bao gồm 63 dự án BOT, 4 dự án BT, 1 dự án BT kết hợp BOT và 2 dự án BOO.
Liên quan đến các dự án BOT giao thông, báo cáo chỉ rõ kết quả rà soát trạm thu phí của toàn bộ 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập. Để xử lý, bộ và địa phương đã phối hợp các nhà đầu tư áp dụng nhiều giải pháp như di dời trạm thu phí về vị trí phù hợp; bổ sung trạm thu phí, gộp trạm, miễn giảm phí cho người dân khu vực lân cận...
Đến nay đã xử lý được vướng mắc của 16/21 trạm. Còn lại trạm Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) dù đã thống nhất giải pháp xử lý và chuẩn bị đưa vào vận hành thu phí trở lại nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Còn lại 4 trạm, do tính chất đặc thù nên giải pháp xử lý bất cập liên quan đến một số nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể, vượt thẩm quyền xử lý của Bộ Giao thông vận tải.
Về những vướng mắc liên quan đến doanh thu thu phí BOT, những dự án này thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài đến trên 20 năm, trong khi dự báo về nhu cầu vận tải chỉ đảm bảo ở mức độ chính xác nhất định; việc điều chỉnh chính sách, quy hoạch... sẽ tác động rất lớn đến doanh thu và hiệu quả tài chính của các dự án BOT.
Toàn bộ các dự án BOT giao thông chưa được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro nên thường rất khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản, gây nợ xấu khi dự án BOT bị sụt giảm doanh thu. Dẫn chứng, qua rà soát 70 dự án, đến nay có 54 dự án đang tổ chức thu phí hoàn vốn, các dự án còn lại chưa được thu phí hoặc đang dừng thu phí để quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Trong tổng số 54 dự án đang thu phí, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%, cá biệt có 3 dự án có doanh thu chỉ đạt dưới 30% so với phương án tài chính, gây phá vỡ phương án tài chính.
Để xử lý những vướng mắc này, Bộ Giao thông vận tải cho hay với 4 trạm thu phí BOT còn tồn tại bất cập chưa được thu phí, cần báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí vốn nhà nước để thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thay thế quyền thu phí, tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với các khoản vay tín dụng tại các dự án này.
Để tháo gỡ về doanh thu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị đánh giá điều kiện của từng dự án BOT và đề xuất lộ trình tăng phí phù hợp. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với một số khoản vay tín dụng đầu tư BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu do sụt giảm doanh thu.
Với dự án có phương án tài chính bị phá vỡ, bộ đề nghị cho phép sử dụng vốn nhà nước thanh toán chi phí đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Với dự án tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phá vỡ phương án tài chính, cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bao gồm các dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, dự án BOT cải tạo quốc lộ 26, dự án BOT cầu Văn Lang.