Cuộc suy thoái việc làm nặng nhất 70 năm
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva đã cảnh báo đây là cuộc suy thoái đặc biệt nghiêm trọng, khác hoàn toàn với những cuộc suy thoái đã từng diễn ra trên thế giới. Thêm nữa, tình trạng suy thoái trải dài khắp các châu lục, từ châu Á cho tới châu Âu, châu Mỹ... cho thấy đây là cuộc suy thoái thời bình nặng nề nhất kể từ những năm 1930, bởi các nền kinh tế phải ngưng mọi hoạt động để chống dịch.
Thất nghiệp gia tăng sẽ buộc chính phủ và ngân hàng trung ương các nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm và giúp đỡ các công ty để họ không sa thải nhân viên. Nếu không hỗ trợ kịp thời, hoặc những biện pháp đưa ra không cải thiện được tình hình, tình trạng suy thoái sẽ trầm trọng hơn hoặc khả năng hồi phục sau suy thoái sẽ chậm lại.
ILO cảnh báo gần 25 triệu người phải nghỉ việc nếu virus corona tiếp tục hoành hành.
Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase dự đoán đến giữa năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp tại các thị trường phát triển sẽ tăng 2,7%. Mặc dù tình hình sẽ được cải thiện một chút khi các nước đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, nhưng JPMorgan Chase vẫn dự đoán đến cuối năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng 4,6% và ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 8,3%. Tại châu Á và các châu lục khác tỷ lệ thất nghiệp cũng cao nhất trong nhiều thập niên qua.
Khi đại dịch càn quét nền kinh tế số 1 thế giới, Mỹ đã chứng kiến một kỷ lục mới với gần 30 triệu người tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp trong quý I-2020. Con virus corona nhỏ bé dường như đã xóa sạch mọi nỗ lực tạo công ăn việc làm của Mỹ trong 13 năm qua, xóa đi nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp Mỹ của Tổng thống D.Trump trong 4 năm nhiệm kỳ tới giờ. Con số 9,96 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần đầu tháng 4 tương đương số người xin trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu của cuộc suy thoái kinh tế hồi năm 2007-2009.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg Radio, nhà kinh tế Michael Michaelen cho biết, dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng 6% trong tháng 4 và có thể sẽ còn tăng tiếp sang tháng 5, khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo lao động hàng tháng của Mỹ được đưa ra vào đầu tháng 4 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên tăng trong một thập niên qua, đánh dấu sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Thu nhập của nhân viên đã sụt giảm hơn 700.000USD, gấp 7 lần so với những dự đoán trước đây của các nhà kinh tế. Nhưng đây chỉ là những khó khăn ban đầu, dự đoán tới đây tỷ lệ sa thải và phá sản sẽ còn lớn hơn. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm tăng vọt lên mức kỷ lục 15%.
Bài kiểm tra gắt gao
Đòn đánh nặng tay của dịch bệnh vào thị trường lao động cũng là một bài kiểm tra gắt gao dành cho các nền kinh tế trên thế giới. Văn hóa, lối sống của người Mỹ linh hoạt, thoáng hơn, do đó tỷ lệ mất việc làm ở Mỹ sẽ cao hơn ở các nước thuộc Eurozone hay ở Nhật Bản - những quốc gia hỗ trợ các công ty tốt hơn. Do đó các công ty ở những nước này không cần sa thải quá nhiều nhân viên để tiếp tục hoạt động trong cơn suy thoái.
Ở châu Âu, một báo cáo cho thấy trong 2 tuần đầu tháng 4, gần 1 triệu người Anh đã nộp đơn xin trợ cấp, gấp 10 lần so với bình thường và con số đó gia tăng vào đầu tháng 5. Tổng cục Thống kê của Anh đã công bố kết quả cuộc khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, 27% số doanh nghiệp đang phải sa thải nhiều nhân viên chỉ trong một thời gian ngắn. Ở Tây Ban Nha, số người thất nghiệp cũng tăng lên mức kỷ lục, với tỷ lệ thất nghiệp gần 14% - mức cao nhất trong các nước phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp của Áo tăng lên mức 12% - mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Đức hầu như không tăng trong tháng 3, nhưng ông Detlef Scheele, Chủ tịch Cơ quan Việc làm Liên bang Đức, cho biết dự báo trong tháng tới tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh. Trong tháng 3, nước Đức đã có 470.000 công ty nộp đơn xin hỗ trợ tiền lương. Đây là con số kỷ lục, và có khả năng vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Các doanh nghiệp Pháp cũng phải xin viện trợ của chính phủ để không phải sa thải nhân viên. 84% tiền lương của nhân viên đang được nhà nước chi trả. Hiện có 4 triệu nhân viên của 400.000 công ty Pháp - chiếm khoảng 20% nhân viên của các công ty tư nhân - được nhận lương do nhà nước hỗ trợ. Theo dữ liệu của Bloomberg, ở khu vực Bắc Âu, hơn 800.000 người đã mất việc làm, trong đó có hơn 620.000 người làm việc tạm thời ở Phần Lan và Na Uy.
Ở châu Á, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 của Nhật Bản giữ ở mức 2,4%, nhưng nhu cầu tuyển thêm nhân viên của các công ty đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Gần 23 triệu người Thái Lan, tương đương 1/3 dân số nước này, đã đăng ký nhận hỗ trợ của chính phủ kể từ ngày 28-3, khi chương trình hỗ trợ của nhà nước được đưa vào áp dụng.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 2, lên mức 6,2% chỉ sau 2 tháng bùng phát dịch Covid-19. Tân Hoa Xã cho biết, kể từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã phân bổ 9,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 131,58 triệu USD) chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 2,3 triệu lao động mất việc. Trong tháng 2, khi các hoạt động kinh doanh phải ngừng hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị tại Australia và New Zealand tăng lên mức kỷ lục 6,2%, khiến 8 triệu người mất việc làm.
Ông Peter Hooper, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank AG, cho biết: “Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất cao và mọi người vẫn mong chờ đến khi dịch bệnh qua đi. Vấn đề là người ta vẫn chưa biết bao giờ đại dịch Covid-19 thôi hoành hành để triển vọng kinh tế thế giới bớt ảm đạm và nhu cầu của thị trường việc làm sẽ tăng cao trở lại”.