Tất cả đều hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế…
Chuyển mình theo xu hướng
Đầu năm 2019, lần đầu tiên Sở Y tế TP phát động đợt bình chọn Giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh với chuyên đề “Y tế thông minh”. Hưởng ứng đợt bình chọn này, đã có 38 đơn vị (trong đó, ngoài các bệnh viện (BV) công lập, còn có các BV thuộc bộ, ngành và BV tư nhân trên địa bàn TP) tham gia, với tổng cộng 94 sản phẩm.
Hội đồng bình chọn đã chọn ra 37 sản phẩm được đánh giá hiệu quả thực tế tại các đơn vị, chọn ra những sản phẩm tiêu biểu nhất để xếp hạng và trao giải. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đa dạng về loại hình ứng dụng, phong phú về sử dụng nền tảng công nghệ, có hàm lượng công nghệ rất cao, tiếp cận nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Các bác sĩ ứng dụng robot phẫu thuật u não tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Tất cả sản phẩm tham gia giải thưởng chuyên đề “Y tế thông minh” đều trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thêm các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế, và cung cấp các công cụ quản lý thông minh cho cán bộ y tế đang tham gia công tác quản trị BV và quản lý ngành.
Trong năm 2020, ngành y tế tiếp tục phát triển những ứng dụng mang lại tiện ích thiết thực cho người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế như: ứng dụng “tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, ứng dụng “y tế trực tuyến”, ứng dụng “quản lý danh mục kỹ thuật”, ứng dụng “quản lý nguồn nhân lực y tế”…
Các sản phẩm này cũng là kết quả của những hành động cụ thể ban đầu của ngành y tế thành phố trên lộ trình triển khai Đề án Y tế thông minh. Khi được hiện thực hóa, chắc chắn đề án này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân thành phố và khu vực phía Nam.
Dần hoàn thiện Đề án Y tế thông minh
Tiếp nối các sản phẩm y tế thông minh đã được ngành y tế TP công bố trong năm 2019, Sở Y tế đang hoàn chỉnh Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND TP xem xét phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế, hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời; góp phần xây dựng đô thị thông minh theo mục tiêu của TP đã đề ra.
Theo đó, ngành y tế sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân TP, đảm bảo liên thông với hồ sơ bệnh án điện tử của các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần làm tăng hiệu quả của hệ thống cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh tạo ra nhiều tiện ích cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ, khám chữa bệnh từ xa.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các BV. Xây dựng dữ liệu của ngành y tế về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân; dữ liệu lớn về nhân lực, cơ sở hành nghề, trang thiết bị, danh mục kỹ thuật… làm nền tảng xây dựng hệ thống thông minh, đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của TP, góp phần vào việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh...
Với y tế thông minh, người dân dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn BV, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến BV ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được BV trước đó đã làm… Người dân cũng có thể giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khỏe của mình, cũng như trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị.
Trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một BV và giữa các BV với nhau; hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện…
Những người công tác trong cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành y tế, đề ra những dự báo có cơ sở thực tiễn. Chủ động có can thiệp hiệu quả, như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố; điều phối tình trạng quá tải tại các BV, kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân…
10 ứng dụng khi xây dựng y tế thông minh (1) Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý BV (HIS); (2) Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS); (3) Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); (4) Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS, kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACS/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân; (5) Xây dựng bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử; (6) Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới, nhận diện người bệnh, tránh nhầm lẫn thông tin người bệnh, định vị người bệnh trong quá trình điều trị tại BV; (7) Ứng dụng các thuật toán về máy học, xây dựng các hệ thống nhắc tự động, hệ thống cảnh báo, dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh nhằm tránh ùn tắc cục bộ trong quá trình khám bệnh, chuyển lời đọc thành văn bản trong hồ sơ bệnh án điện tử… bằng nguồn dữ liệu sẵn có của BV và công nghệ dựa trên các thuật toán về máy học; (8) Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị; (9) Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web; (10) Đảm bảo an toàn thông tin, cần quan tâm xây dựng các quy trình, quy định, các chính sách liên quan đến vận hành hệ thống thu thập số liệu phần mềm quản lý BV từ khâu tiếp nhận bệnh đến xuất viện, kết thúc lần khám, sử dụng và khai thác thông tin bệnh án điện tử. |