“Phủ sóng” đường cao tốc
Chúng ta vừa chứng kiến cuộc “về đích ngoạn mục” của hàng loạt dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1. Nói “ngoạn mục” bởi các dự án được thi công trong điều kiện rất ngặt nghèo. Bên cạnh khó khăn muôn thuở là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), các dự án còn bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 suốt 2 năm, nhiều công trường “đắp chiếu” vì không có công nhân, không có vật liệu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Tiếp theo đó, bão giá vật liệu xây dựng ập tới, có những loại vật liệu tăng giá tới 40-50% khiến nhiều dự án phải thi công cầm chừng. Các dự án phải đối mặt với vấn đề thiếu vật liệu đất đắp.
Tình trạng chậm tiến độ diễn ra ở hầu hết các dự án. Đơn cử, cho đến tháng 10-2022, các dự án Mai Sơn - QL 45, Phan Thiết - Dầu Giây mới đạt khoảng 50-60% trị giá hợp đồng. Các dự án khác cũng trong tình trạng tương tự. Trước nguy cơ các dự án khó về đích đúng hẹn, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đã quyết liệt vào cuộc.
Nhờ vậy, trong những tháng cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, hàng loạt dự án đã đưa vào khai thác, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (15km), Cam Lộ - La Sơn (98km), Mai Sơn - QL45 (63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), Phan Thiết - Dầu Giây (99km), Nha Trang - Cam Lâm (50km), Vân Đồn - Móng Cái (80km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km).
Không chỉ hoàn thành các dự án đã khởi công, Bộ GTVT còn rốt ráo chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ lớn, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc, “phủ sóng” trên các khu vực, các vùng miền.
Đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang dần thành hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Với lĩnh vực đường sắt, điểm nhấn trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là đã hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM góp phần rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn. Hiện ngành đường sắt đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Bộ GTVT cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt khác như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ngọc Hồi - Thạch Lỗi, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành... làm cơ sở định hướng kêu gọi đầu tư.
Với đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang ngày càng thu hút người dân sử dụng nhiều hơn. Các tuyến như Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TPHCM) cũng được đẩy nhanh tiến độ.
Với hệ thống cảng biển, hiện các cảng, cụm cảng được đầu tư tương đối đồng bộ, từng bước hiện đại hóa. Tương tự, các tuyến đường thủy nội địa cũng đang được đầu tư để nâng cao năng lực, với các dự án đầu tư nâng cao tĩnh không cầu Đuống khu vực phía Bắc và các cầu trên các tuyến đường thủy khu vực ĐBSCL.
Với lĩnh vực hàng không, việc khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không: Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài… cũng tạo ra cơ hội cho các địa phương “cất cánh”.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá, chưa bao giờ sự tăng tốc của ngành GTVT lại rõ rệt như thời gian qua. Trong bối cảnh đất nước cần đổi mới để hội nhập, tăng tốc phát triển kinh tế, ngành GTVT đã cho thấy một điểm sáng, là bài học cho các bộ, ngành khác. Với những người trong ngành GTVT, thời gian vừa qua cũng là khoảng thời gian khó khăn, vất vả và có những nỗ lực vượt bậc.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, tất cả đều phải tập trung cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đơn cử, việc thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án chỉ thực hiện trong chưa đầy 6 tháng, trong khi thông thường sẽ mất khoảng 1-1,5 năm. Thời gian tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán cũng chỉ khoảng 5 tháng.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Quốc hội đã thông qua hàng loạt cơ chế đặc thù cho đầu tư hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn các quy trình thủ tục, cho phép phân cấp phân quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án giao thông tầm quốc gia cũng lần đầu tiên được thành lập, do Thủ tướng làm trưởng ban để giải quyết mọi vấn đề vướng mắc.
Xác định kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc đầu tư hạ tầng rất cần bảo đảm phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các vùng, miền, hài hòa giữa các vùng động lực như Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến đường vành đai của Hà Nội và TPHCM, các tuyến cao tốc trục Đông - Tây. Các địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã và sẽ được giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền; Trung ương hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.
Với việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông, Bộ GTVT sẽ từng bước thực hiện tái cơ cấu thị phần vận tải theo mục tiêu đề ra. Đó là giảm thị phần đường bộ, tăng thị phần đường thủy nội địa và đường sắt, dần kéo giảm chi phí logistics, đảm bảo an toàn giao thông, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.