Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã ký Tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) lần này là bổ sung quy định TCTD bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một, hoặc một số biện pháp hỗ trợ ở Điều 148.
Cụ thể, theo dự thảo, TCTD cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt khác; được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…
Một quy định mới nữa tại dự thảo là cá nhân không sở hữu quá 3% vốn điều lệ so với mức 5% hiện hành. Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD, giảm 5% so với quy định hiện tại. Cổ đông lớn của một NH và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của NH khác.
Đồng thời, dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% xuống còn 10%. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa giảm từ 25% xuống 15% vốn tự có. Thủ tướng sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của NH, chi nhánh NH nước ngoài chưa đáp ứng đủ.
Các quy định này cho thấy NHNN muốn siết các vấn đề sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông nhà băng.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dự thảo luật hóa cụ thể quy định tại Nghị quyết 42 nhưng bổ sung quy định về mua, bán nợ xấu. Theo đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hoạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của NH; được thỏa thuận với NH để phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi từ khoản nợ xấu, sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.