Muốn duy trì lãi suất thấp, NHNN phải tiếp tục sử dụng 'cây gậy' thay vì 'củ cà rốt'

(ĐTTCO) - Kể từ khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần 1 vào ngày 15-3, các nhà băng đã hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân liên NH cũng giảm sâu. Diễn biến giảm nhanh của mặt bằng lãi suất đã tác động đến tâm lý sẽ giảm lãi vay của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Muốn duy trì lãi suất thấp, NHNN phải tiếp tục sử dụng 'cây gậy' thay vì 'củ cà rốt'

Nhưng để kỳ vọng xu hướng này trở thành dài hạn và đưa lãi vay trở lại mức thấp như mong đợi của DN vẫn rất khó, thế nên, NHNN lại tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần 2 chỉ trong 1 tháng, đồng thời lần này hạ cả trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Tác động của giảm lãi suất điều hành

Tại ngày 30-3, lãi suất liên NH (LSLNH) cho vay VNĐ qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80-95% giá trị giao dịch) giảm về mức rất thấp, chỉ 0,9%/năm. Các mức kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng lùi sâu, lần lượt ở 1,56%/năm, 2,26%/năm và 4,24%/năm. Đây là các mức lãi suất rất thấp nếu so với 6 tháng cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay.

Diễn biến của LSLNH các kỳ hạn chủ chốt đã nhanh chóng đảo chiều vùng cao xuống mức rất thấp chỉ trong 2 tuần. Trước đó, LSLNH kỳ hạn qua đêm đã từng chạm mốc 8,44%/năm. Đầu năm 2023, các mức LSLNH kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng lần lượt ở mức 5,06%/năm, 6,04%/năm, 6,04%/năm, 8,08%/năm.

Còn gần nhất, ở tuần trước khi NHNN bắt đầu giảm lãi suất điều hành, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần và 2 tuần, 1 tháng lên mức 6,22%/năm, 6,29%/năm, 6,49%/năm và 7,31%/năm.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động của các NHTM trong 2 tuần qua cũng trên đà hạ nhiệt. Từ ngày 16-3, lãi suất huy động cao nhất của nhóm Big 4 (kể cả trên kênh tiền gửi tại quầy và gửi trực tuyến) chỉ còn 7,2-7,7%/năm so với hồi đầu năm khoảng 8,2%/năm. Các NHTMCP cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động xuống thấp hơn trước 1-2%/năm trong tuần qua. Lãi suất cao nhất được niêm yết công khai vào cuối tuần qua là 9,1%/năm.

Mấy tháng trước, lãi suất huy động cũng đã rục rịch giảm trước yêu cầu của NHNN nhưng mức giảm chưa đáng kể. Có trường hợp chỉ giảm đối phó trên biểu lãi suất công khai nhưng lại “đi đêm” lãi suất khách hàng, chẳng hạn niêm yết 9,5%/năm nhưng gửi thực tế lên đến 11,5%/năm.

Nửa tháng qua, lãi suất đã giảm thật sự sau khi các mức lãi suất điều hành giảm. Khi liên hệ đến một vài NH, giao dịch viên báo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã thấp hơn trước khoảng 1%.

Có thể thấy, động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN đã có tác động trực tiếp, nhanh và mạnh đến thị trường, thể hiện qua việc mặt bằng lãi suất đã thấp hơn rõ rệt chỉ trong vòng nửa tháng.

Nhưng liệu có dài hạn?

Tuy nhiên, lãi suất giảm ngoài việc NHNN giảm lãi suất điều hành, có lẽ còn có lý do khác. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%. Cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng tăng đến 4,03%.

Tín dụng tăng chậm do thị trường bất động sản gặp khó khăn, còn DN sản xuất chưa tiếp cận được vốn do lãi suất cao và điều kiện khắt khe trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Nhu cầu tín dụng còn thấp được cho là nguyên nhân dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, giúp hạ LSLNH và các NH có thể hạ nhiệt cơn sốt lãi suất.

Song số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng huy động của các TCTD chỉ đạt 0,77%, trong khi cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%. Huy động tăng thấp dù 3 tháng đầu năm lãi suất tiền gửi ở mức cao và rất nhiều NHTMCP mời gọi gửi tiết kiệm ở mức 10-11,5%/năm.

Đồng thời, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp không có điểm sáng, cho thấy nguồn tiền gửi NH cũng không dồi dào. Như vậy, các nhà băng vẫn còn đối mặt với tình trạng chênh lệch lớn trong huy động và cho vay.

Nếu thời gian tới tín dụng đảo chiều khởi sắc trở lại như nhiều năm trước đã từng xảy ra, xu hướng giảm lãi suất huy động có duy trì được không là điều khó nói. Vì dòng tiền cũ cho vay ra chưa quay về được do bị kẹt trong các khoản nợ cho vay bất động sản, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp… vẫn là khó khăn tiềm ẩn của các nhà băng.

Ở phía cho vay, với đà giảm đầu vào hiện tại, khi nào sẽ giảm đầu ra cũng là vấn đề được quan tâm. Trong giai đoạn thanh khoản khó khăn ở thời điểm giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, các nhà băng đã ưu tiên các khoản huy động trung, dài hạn, gửi càng dài lãi suất càng cao.

Đặt trường hợp, khách hàng gửi tiết kiệm vào đầu năm 2023 với kỳ hạn 9-12 tháng, thời điểm đáo hạn sẽ rơi vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Theo quy định, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay do TCTD và khách hàng thỏa thuận.

Như vậy, trong mấy tháng tới, NH vẫn phải trả lãi suất đúng như thỏa thuận từ trước cho các khoản huy động đó, nên việc giảm lãi suất cho vay cũng sẽ có độ trễ tương tự.

Gần đây, các nhà băng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn 1-2% so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, tín dụng ưu đãi có đối tượng cụ thể, có điều kiện ràng buộc, yêu cầu khắt khe hơn các khoản tín dụng thông thường.

Có nghĩa, NH không giảm lãi suất đại trà và có thể đó là “chiêu” để các NH gửi thông điệp đến thị trường, đến NHNN rằng họ đang tích cực giảm lãi suất. Còn thực tế, tại nhiều NH lãi suất ưu đãi 5-6%/năm chỉ áp dụng trong vài tháng đầu, sau đó áp dụng lãi suất 12-13,5%/năm.

Một điểm nữa ĐTTC ghi nhận, là sau khi giảm lãi suất huy động, đã có NH giới thiệu chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 84 tháng, 6 tháng trả lãi 1 lần với lãi suất 9,5%/năm trong 2 năm đầu và tặng ngay tiền mặt đầu kỳ trị giá 0,5% chứng chỉ tiền gửi. Điều này cho thấy, một số NH vẫn đang cần bù đắp thanh khoản dài hạn, giảm lãi suất ở góc này nhưng vẫn tìm cách huy động vốn ở góc khác bằng lãi suất cao.

Có lẽ NHNN cũng thấy, lãi suất huy động chỉ tạm lắng chứ khó trông chờ sẽ về vùng thấp như trước đây, vậy nên tối 31-3, NHNN đã bất ngờ thông báo tiếp tục giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 5,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm và giảm một số mức lãi suất cho vay ngắn hạn kể từ ngày 3-4.

Nhà điều hành đang cho thấy nỗ lực để kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ thị trường và nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp.

Với chính sách này, lãi suất của các NH sẽ giảm ngay, giảm hàng loạt trong những ngày tới. Tuy nhiên cũng thấy rằng lúc này, cầu tín dụng còn yếu, các NH đang nhận được nhiều hỗ trợ từ thị trường liên NH cũng như yêu cầu cơ quan quản lý như vậy, mặt bằng lãi suất có thể sẽ êm ả vài tháng tới.

Nhưng nửa cuối năm, nếu cầu tín dụng tăng trở lại, áp lực trái phiếu đáo hạn chưa thanh toán được và các khoản tiền gửi từ cuối năm ngoái sẽ đáo hạn dồn dập tác động lên thanh khoản các NH, liệu lãi suất có duy trì được xu hướng giảm?

Hiện tại việc giảm lãi suất điều hành của NHNN mới có tác động đến các kỳ hạn ngắn của hệ thống. Thế nên, nhìn trong dài hạn, việc lãi suất thị trường tiếp tục giảm là điều khó chắc chắn được.

Các tin khác