Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 88.200 lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm 2020 do Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Song song với đó, du lịch trong nước cũng sụt giảm nghiêm trọng so với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện. Doanh thu từ du lịch lữ hành chỉ đạt 4.500 tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành rà soát và nhận thấy 30% doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành đã rút lui khỏi thị trường.
Các doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng và đang rất khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại hơn 2/3 tổng số địa phương của cả nước.
Trước tình cảnh khó khăn trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Nội dung sửa đổi hướng tới việc giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đây không chỉ là biện pháp hỗ trợ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp mà dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành còn hoạt động cũng như các doanh nghiệp đang muốn gia nhập thị trường này.
Với nội dung đề xuất này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằngban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ (nếu trong trường hợp doanh nghiệp không muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép). Điều này vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Dự thảo cũng nên quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể như: doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây chính là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện việc rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại.
Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp. Khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và thực hiện hoạt động kinh doanh).
Việc thiết kế quy định về tạm ngừng kinh doanh vừa cho phép doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ trong thời gian không hoạt động, vừa không phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép khi quay trở lại hoạt động. Nhờ đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc công khai thông tin doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp vẫn có hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định về mức ký quỹ mới nhưng không sửa các quy định có liên quan khiến cho việc triển khai trên thực tế có thể sẽ gặp khó khăn.
Cụ thể như việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại dự thảo thì các doanh nghiệp hiện tại đang ký quỹ theo mức của Nghị định 168/2017/NĐ-CP có được được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Theo đại diện VCCI, quy định này phải cho phép áp dụng đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ.
Do đó, dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các doanh nghiệp có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng, bởi vì Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp đặc biệt này.
Hay sau khi hết thời hạn có hiệu lực của Nghị định sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung tiền ký quỹ như thế nào? Vấn đề này, theo ông Tuấn, nội dung dự thảo sửa đổi nghị định cũng cần phải được quy định rõ để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, không chỉ đối với doanh nghiệp mà kể cả các cơ quan quản lý nhà nước.