Một cuộc khảo sát định kỳ hàng năm với 83 ngân hàng trung ương quản lý tổng tài sản ngoại hối trị giá 7.000 tỷ USD cho thấy, hơn 2/3 các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường nắm giữ vàng vào năm 2023.
Vàng thỏi có xu hướng trở nên hấp dẫn hơn trong thời kỳ bất ổn và nhu cầu đã tăng vọt trong năm qua. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), lượng vàng mua của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 đã tăng 152% so với cùng kỳ năm 2021 lên 1.136 tấn.
Khảo sát cho thấy hầu hết ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đánh giá rủi ro địa chính trị là một trong những mối quan tâm quan trọng nhất và chỉ đứng sau yếu tố lạm phát cao. Hơn 40% ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đã liệt kê rủi ro địa chính trị là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu, so với 23% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Khoảng 1/3 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát đã thay đổi hoặc đang có kế hoạch thay đổi tài sản đã mua do những căng thẳng như xung đột Nga-Ukraine và quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi.
Víctor Méndez-Barreira, tác giả của cuộc khảo sát cho biết xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra một "yếu tố mà các nhà quản lý dự trữ hiện cần phải tính đến".
Cuộc xung đột đã khiến liên minh phương Tây gồm Mỹ, Anh và EU triển khai các biện pháp trừng phạt tài chính sâu rộng đối với Nga, bao gồm các biện pháp phong tỏa tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga. Dự trữ vàng của ngân hàng trung ương không nằm trong phạm vi trực tiếp của lệnh trừng phạt vì chúng được dự trữ ở Nga.
Số liệu của WGC cho thấy nhiều giao dịch mua được thực hiện trong năm qua là của các ngân hàng trung ương ở các quốc gia không liên kết với phương Tây.
Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng trong năm 2022, mức lớn nhất kể từ năm 1967 |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua 62 tấn vàng trong tháng 11 và tháng 12/2022, lần đầu tiên nâng tổng dự trữ vàng thỏi lên trên 2.000 tấn. Dự trữ vàng chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 148 tấn lên 542 tấn vào năm 2022. Các quốc gia ở Trung Đông và Trung Á cũng được WGC liệt kê là “những người mua vàng tích cực” vào năm ngoái.
John Reade, Giám đốc chiến lược thị trường tại WGC cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga đã "khiến nhiều ngân hàng trung ương xem xét lại nơi họ nên giữ dự trữ quốc tế".
“Các quốc gia đã nhận ra rằng số vàng mà Nga nắm giữ, bởi vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai khác, rất hữu ích trong những tình huống mà bạn không thể truy cập vào bất kỳ nguồn dự trữ nào khác”, ông cho biết thêm.
Trong khi vàng của Nga được lưu trữ trong nước, nhiều ngân hàng trung ương giữ dự trữ vàng ở nước ngoài, bao gồm cả tại Ngân hàng Anh và Cục Dự trữ Liên bang New York, phản ánh vị thế của London và New York là thị trường giao dịch vàng lớn nhất.
Vàng cũng được xem là một hàng rào hiệu quả chống lại lạm phát cao, đây hiện là mối quan tâm số một của hơn 70% những ngân hàng trung ương. Giá vàng thỏi hiện đang ở gần mức cao kỷ lục, sau khi lạm phát gia tăng trong suốt năm 2022.
Phần lớn các ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một phần lớn hơn trong dự trữ quốc tế trong phần còn lại của thập kỷ này.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã cảnh báo trong một bài phát biểu vào tuần trước rằng những rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa vị trí hàng đầu của đồng đô la và đồng euro trong quản lý dự trữ toàn cầu.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng đô la chiếm 58% tổng dự trữ của các ngân hàng trung ương trong quý IV/2022. Trong khi đồng euro chiếm hơn 20% và đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2,7%.
Cuộc khảo sát Xu hướng Quản lý Dự trữ của các ngân hàng trung ương được thực hiện bởi HSBC diễn ra từ tháng 2 đến giữa tháng 3/2023.