Các NHTW phương Tây vẫn sẽ tăng lãi suất
Nguyên nhân chủ yếu cho sự đồng thuận này là do nỗi lo nếu lạm phát cao kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế, và lạm phát cao sẽ gắn chặt vào nền kinh tế, buộc các NHTW phải thực hiện nhiều biện pháp khắt khe hơn để kéo giá cả về mục tiêu dài hạn.
Và những biện pháp khắt khe này có thể tác động rất xấu đến tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, có thể thấy quan điểm chủ đạo của các NHTW phương Tây sẽ vẫn là tiếp tục tăng lãi suất trong mấy tháng tiếp theo của năm 2022.
Điều này diễn ra trong bối cảnh tiền lương của khu vực châu Âu đã tăng 4% và vẫn có xu hướng tiếp tục phải tăng lên, bởi nhiều cuộc đình công đang diễn ra và sẽ diễn ra. Khi mà ngay cả giới có thu nhập cao như luật sư, nhân viên ngân hàng đầu tư và những người làm cho công ty công nghệ cũng lên tiếng, có thể thấy áp lực lạm phát đẩy tiền lương tăng lên là thật. Nếu kéo dài, vòng xoáy giá-lương sẽ tạo ra một đợt lạm phát dai dẳng và kéo dài.
Điều này diễn ra giữa lúc một luồng quan điểm khác đang cho rằng, rủi ro suy thoái kinh tế sẽ sớm khiến lạm phát đảo chiều, đồng thời các NHTW đang tăng lãi suất mạnh như Mỹ và Anh sẽ sớm phải quay lại giảm lãi suất và bơm tiền trở lại trong năm 2023.
Một trong những đại diện cho luồng quan điểm này là Michael Burry, người nổi tiếng với đợt Đại bán khống (Big Short), bằng cách mua các hợp đồng CDS cho các khoản vay thứ cấp trước khi khủng hoảng 2007 diễn ra.
Nhận định này có lý lẽ, nhưng thời điểm là một vấn đề. Ở đây có mấy điểm cần bàn. Đầu tiên, khi nào các nền kinh tế rơi vào suy thoái? Cuối 2022 hay đầu hoặc giữa 2023? Đến giờ các nhà phân tích vẫn chưa đồng thuận về quan điểm này. Thậm chí, vẫn còn khả năng là các nền kinh tế chủ chốt sẽ tránh được suy thoái (theo định nghĩa tăng trưởng GDP thực âm liên tiếp 2 quý).
Hơn nữa, cho dù kinh tế tăng trưởng chậm lại hay 2 quý có GDP âm, vẫn không có gì đảm bảo các NHTW cần phải quay lại giảm lãi suất. Họ có thể đơn giản không tăng lãi suất nữa và kêu gọi đẩy mạnh chi tiêu công để kích thích kinh tế.
Hàm ý cho thị trường tài chính
Nhà kinh tế hàng đầu Mohamed El-Erian, Chủ tịch của Queens’ College thuộc đại học Cambridge, và là cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn Allianz, đã đưa ra nhận định sắc sảo rằng Fed đang mắc sai lầm với chính sách tiền tệ, đó là chậm tăng lãi suất và đánh giá sai lạm phát từ đầu năm ngoái. Đến nay thì ông đã đúng.
Trong bài viết cuối tháng 6 cho tờ Financial Times, ông nhận định rằng thị trường đối mặt với một rủi ro là sau khi Fed đã sai và đi sau lạm phát khá xa, Fed sẽ có thể mắc một sai lầm khác là bất chấp tất cả để chống lạm phát và tạo ra rủi ro “hạ cánh cứng”.
Theo ông Mohamed El-Erian, thị trường tài chính có lý do để lo sợ về rủi ro suy thoái. Bởi mặc dù thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất tốt, nhưng các số liệu về tâm lý tiêu dùng đang khá xấu và doanh nghiệp có lý do để lo sợ tình hình kinh doanh sẽ xấu đi trong nửa cuối 2022.
Ở một phương diện nào đó, thị trường tài chính đang lo sợ Fed sẽ lại mắc một sai lầm nữa và đẩy Mỹ vào suy thoái, do đó bán tháo các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu và tiền mã hóa.
Một rủi ro khác với thị trường khi các NHTW phương Tây tiếp tục con đường thắt chặt tiền tệ là rủi ro vỡ nợ. Nouriel Roubini, người thường đưa ra các dự báo bi quan về thị trường, đã dự đoán rằng có thể sẽ có một cuộc khủng hoảng nợ do đình lạm gây ra (stagflationary debt crisis). Với tổng nợ tư và công toàn cầu đang ở mức 350% GDP (tăng từ mức 200% của năm 1999), tăng trưởng kinh tế chậm đi trong khi lãi suất tăng nhanh hơn sẽ đẩy nhiều công ty “xác sống” (zomebie firms), các hộ gia đình và chính phủ vay nợ lớn vào rủi ro vỡ nợ. Hiểu nôm na là vay nợ quá lớn, mà bây giờ làm cả một năm cũng không đủ trả nợ.
Ông Roubini vẽ ra một kịch bản khá bi quan, khi so sánh rằng ở thập niên 1970 chúng ta có đình lạm, nhưng không có khủng hoảng, vì mặt bằng nợ thấp. Sau 2008, chúng ta có khủng hoảng nợ, nhưng không có đình lạm vì lạm phát thấp. Bây giờ chúng ta có cả hai.
Về khía cạnh này, người viết có phần không đồng tình. Quả thật hiện tại chúng ta có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, nhưng rủi ro vỡ nợ quy mô lớn hiện nay không cao như trong quá khứ vì các ngân hàng đã được bảo vệ tốt bởi các quy định an toàn vốn. Thực tế lợi nhuận các ngân hàng Mỹ đều tốt và đã vượt qua bài kiểm tra tình huống xấu (stress test) và đang chi trả hàng tỷ USD cổ tức.
Các phương thức cho vay trên thị trường nhà cũng an toàn hơn rất nhiều so với trước đây, nên rủi ro vỡ nợ và sụp đổ thị trường bất động sản cũng rất thấp.
Điều mà người viết đồng tình với ông Roubini là các doanh nghiệp vay nợ cao có thể vỡ nợ và rủi ro này đang rất cao ở châu Âu và Mỹ, đặc biệt với những trái phiếu lãi suất cao. Tuy nhiên, lượng trái phiếu đó vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với toàn bộ thị trường trái phiếu, và rủi ro vỡ nợ tạo ra mất thanh khoản của cả thị trường như giai đoạn 2007-2008 là thấp khi mà thị trường hiện tại đã có nhiều công cụ can thiệp so với trước đây.
Ở chiều ngược lại, nếu lạm phát bắt đầu đạt đỉnh và kỳ vọng lạm phát trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với hiện tại, và gần mục tiêu lạm phát dài hạn hơn, thì có thể lợi suất trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào cuối 2022 và đầu 2023, khi mà chu kỳ tăng lãi suất cũng đạt đỉnh. Sau đó dòng tiền đã rút ra khỏi tài sản rủi ro sẽ quay lại. Tất nhiên là với giả định khủng hoảng nợ không xảy ra.
Nếu như vậy, mặt bằng lãi suất của thị trường quốc tế mặc dù vẫn sẽ tiếp tục tăng, tốc độ sẽ không nhanh như 6 tháng đầu năm nữa. Thị trường trái phiếu Mỹ đang bắt đầu phát ra tín hiệu lợi suất trái phiếu cần phải dừng lại “nghỉ ngơi”. Minh chứng là lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm nhanh từ trên 3,2% xuống 2,8% chỉ trong vài ngày.
Thị trường có thể còn phải vất vả chống đỡ một đợt tăng lãi suất 0,75% nữa của Fed, nhưng đó cũng có thể là đợt tăng mạnh nhất còn lại trong vòng hơn 1 năm tới. Những đợt tăng sau đó sẽ thưa dần và dễ chịu hơn. Và thị trường sẽ sớm nhận ra mặt bằng lãi suất mới cũng không phải là tận thế gì. Tiền không còn rẻ, nhưng không phải rất đắt.