Ông cho rằng có thể đó chỉ là tỷ lệ nhỏ, vì nhiều người không muốn để lại dấu vết mà cơ quan quản lý có thể dễ dàng theo dõi, phát hiện. Vì nếu chuyển khoản hay thanh toán bằng thẻ tín dụng, thì bản thân các NH sẽ tuân thủ quy định báo cáo cho NH Nhà nước các giao dịch lớn, đáng ngờ. Trong khi đó, nếu các giao dịch thông qua những ví điện tử quốc tế và đây là cách phổ biến để giao dịch trên thị trường tiền ảo thì các NH trong nước không thể ngăn chặn được.
Vì vậy, chỉ có cách tăng cường cảnh báo các rủi ro mất tiền sẽ xảy ra khi nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào những giao dịch như trên; đưa ra những sàn có dấu hiệu lừa đảo để NĐT không chạy theo những lời dụ dỗ.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, nhận định các hoạt động đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế, tiền ảo... hiện nay đều không thuộc cơ quan nào của VN quản lý. Nhưng cũng không có văn bản chính thống nào quy định hẳn là cấm các hoạt động đầu tư này.
Việc giao dịch của các NĐT cá nhân chủ yếu thông qua giao dịch từ một số công ty, cá nhân tự mở tài khoản trên các sàn quốc tế để tham gia. Thông tin về những sàn giao dịch quốc tế thì mơ hồ, không ai xác thực. Chính vì lỗ hổng quản lý này, mà lằn ranh đúng sai khó phân định và cũng dễ dàng phát sinh những hoạt động mang tính lừa đảo. Cuối cùng khi có thua lỗ thì NĐT không biết kêu ai, không được cơ quan nào bảo vệ.
Nhưng nếu như coi nó chỉ là thỏa thuận dân sự thì cũng chưa phù hợp. Do đó ông cho rằng nên xác định rõ cơ quan nào quản lý những hoạt động này để từ đó nghiên cứu, đưa ra những quy định nhằm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hơn.
“Những giao dịch tiền tệ, vàng trên các sàn forex thì tương tự như giao dịch đầu tư của các NH thương mại và do NH Nhà nước quản lý. Còn kiểu đầu tư chứng khoán quốc tế thì giống như giao dịch phái sinh trên sàn chứng khoán lại do Ủy ban Chứng khoán nhà nước quản lý. Như vậy tôi cho rằng mình nên quy về một đầu mối giao cho cơ quan nào quản lý những hoạt động này. Sau đó mới bàn đến các giải pháp cần thiết để ngăn chặn những hoạt động đó như thế nào là phù hợp”, luật sư Trần Minh Hải chia sẻ thêm.
Theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ NH và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định mọi hành vi thực hiện các giao dịch bị cấm như giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác... sẽ bị báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có thể bị xử lý vi phạm hành chính lên tới 150 triệu đồng theo điều 28 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Trường hợp nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.