Thật khó thống kê có bao nhiêu người tham gia sản xuất các clip để phát sóng trên MXH với danh xưng Youtuber. Chiếc điện thoại thông minh cho phép bất kỳ ai dễ dàng ghi lại hình ảnh và âm thanh để dàn dựng lại thành một clip ngắn. Cho nên, có không ít kẻ rảnh rỗi đã đột ngột biến thành Youtuber nghênh ngang như những phóng viên truyền hình gây bất an cho cộng đồng.
Thực tế, chức năng kiếm tiền của Youtube cũng không đơn giản đem lại nguồn thu cho những kẻ kém sáng tạo và thích chụp giật. Làm Youtuber để kiếm lợi không nhiều bằng làm Youtuber để ra oai và để bắt nạt người khác. Thí dụ đáng nhắc nhất là một clip về hoạt động từ thiện trong mùa Covid-19.
Phát cơm cho những người nghèo giữa cao điểm chống dịch là việc làm nhân ái. Thế nhưng, tranh thủ thời gian phát cơm từ thiện, chủ nhân tài khoản SGNN đã quay clip miệt thị những người khốn khó. Khi một người phụ nữ đến nhận cơm, Youtuber truy vấn: “Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?”.
Cảm thấy tự ái, người phụ nữ trả lời: “Thôi, tôi không lấy đâu chú. Tôi sơn móng từ thiện ở địa điểm của người khuyết tật. Tôi lãnh cho người ta chứ không phải tôi lấy”. Không chịu bỏ qua, Youtuber mỉa mai: “Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn. Cảm ơn chị, chị không tốt như vậy đâu”. Chưa hết, khi một người đàn ông cao niên đến nhận cơm từ thiện, Youtuber này lập tức quát tháo: “Ông ơi ông kéo quần lên, ông đừng gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ kia vào cái bàn phát cơm của tụi con…”.
Xem clip của Youtuber phát trên tài khoản SGNN, ai cũng nhận ra sự lố bịch của những thước phim phản cảm. Cộng đồng mạng đã phản ứng khá gay gắt. Một người xem bình luận: “Ngoại trừ việc quay những đối tượng đi xin cơm để bán lại nhằm cảnh giác mọi người, tôi nghĩ anh này không nên quay mặt những người đến nhận. Anh nên xin phép họ trước khi quay, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người ta. Làm từ thiện trước hết tâm mình phải thiện, tránh chuyện sân si. Cái thiện thể hiện qua hành động, tư cách của mình. Đừng nghĩ người nhận được ban ơn mà có quyền chì chiết, dạy đời người ta”.
Câu chuyện của tài khoản SGNN thực sự là lời cảnh tỉnh về tệ nạn Youtuber làm ô nhiễm môi trường văn hóa internet. Ngoài ra còn có hàng trăm tài khoản khác với những Youtuber hồn nhiên quay hình ảnh cá nhân và hình ảnh tài sản của họ để công chiếu và đánh giá khá tùy tiện.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 đề xuất: Chỉ các mạng đã được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ MXH mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Năm 2013, khi Nghị định 72 được lưu hành tiện ích livestream chưa phổ biến, còn hiện nay nó đang được sử dụng như một phương thức bán hàng hữu hiệu thời công nghệ số.
Do đó, Bộ TT-TT yêu cầu các trang cá nhân, các kênh đoàn thể khai báo thông tin để được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đồng thời, các tài khoản trên MXH trong nước hoặc nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin...
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Bộ TT-TT, thủ tục gửi thông báo về hoạt động livestream được làm theo mẫu có sẵn. Còn người mở kênh kiếm tiền trên MXH xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo rõ mình là ai, ở đâu. Hiện tại, tính năng video trên Facebook có khả năng tiếp cận rộng khắp với người dùng MXH.
Vì vậy, tiện ích livestream dù để có doanh thu hay không cũng là nội dung hấp dẫn dành cho đám đông. Dự thảo sửa đổi là cần thiết, nhưng liệu có tăng cường được hiệu quả kiểm soát? Bởi lẽ, nếu không xây dựng được lộ trình hợp lý, việc đòi hỏi khai báo thông tin sẽ trở thành “giấy phép con” tương đối phức tạp.
Một câu hỏi cũng khá nhạy cảm: Cột mốc 10.000 người theo dõi/ đăng ký cho 1 tài khoản căn cứ vào yếu tố nào? Bởi lẽ, tài khoản ảo và tài khoản thật luôn có khoảng cách nhất định. Có những tài khoản 100.000 lượt theo dõi nhưng mỗi nội dung truyền tải chỉ nhận được vài chục like, không thể so được với tài khoản 3.000 lượt theo dõi mỗi nội dung truyền tải đạt đến con số ngàn like.
Mặt khác, phân định tài khoản có doanh thu và tài khoản không có doanh thu cũng rất mơ hồ. Ngoài ra, nếu quản lý livestream kiểu giấy tờ hành chính không có ý nghĩa gì. Còn nếu cho rằng quản lý livestream sẽ góp phần ngăn chặn hàng nhái, hàng giả thì hơi lạc quan tếu. Bộ TT-TT không phải cơ quan có thể đánh giá và thẩm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng.
Quản lý livestream chỉ là một phần của quá trình thanh lọc sự lộng hành của các Youtuber, nhất là những clip xâm phạm đời tư người khác, Hiến pháp quy định: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Còn Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Thế nhưng, vẫn chưa có quy định nào đưa ra định nghĩa về khái niệm quyền nhân thân đối với hình ảnh.
Trong thời đại công nghệ, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân với nhiều hình thức đa dạng, chỉ bằng vài thao tác đơn giản có thể dễ dàng sử dụng hình ảnh của người khác, đặc biệt trên môi trường MXH. Việc sử dụng hình ảnh của người khác chủ yếu dưới 2 dạng nhằm mục đích thương mại và phi thương mại.
Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích thương mại gây ảnh hưởng đến quyền lợi về kinh tế của người bị xâm phạm, còn với mục đích phi thương mại ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Thực tế vừa qua, đã không ít trường hợp vì những thông tin đời tư bị phát tán, nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc dẫn đến tự tử.