Thực chất, người Anh làm gì cũng cân nhắc thấu đáo, chi tiết và bình tĩnh tới mức sốt ruột. Nhưng chính điều đó là yếu tố mang lại sự hiệu quả mà nhiều nơi không có được: đã ra quyết định là làm được luôn.
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, Vương quốc Anh đã chậm trong các biện pháp rào chắn sự lan tràn của virus, nhưng đã rất nhanh trong việc thực hiện các biện pháp giải cứu nền kinh tế. Theo cách nhìn của tôi, quá trình ra quyết định đó phản ánh khá đầy đủ tính cách Anh. Quyết định bảo vệ sức khỏe cho người dân đã phải được cân nhắc thấu đáo và chi tiết cùng với các giải pháp hỗ trợ sức khỏe kinh tế.
Các giải pháp hỗ trợ sức khỏe kinh tế của chính phủ Anh được thiết kế chi tiết và cụ thể cho từng đối tượng, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp lớn, bao gồm các giải pháp tiền tệ, tín dụng và tài khóa. Một điểm rất chung là tất cả các giải pháp hỗ trợ đều tập trung vào cải thiện dòng tiền.
Ở cấp độ người lao động, lấy thí dụ như với các cá nhân kinh doanh, họ được chính phủ hỗ trợ tới 80% lương tháng (tối đa 2.500 bảng Anh) trong thời gian không thể đi làm do phong tỏa hoặc công việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp cũng nhận được hỗ trợ từ chính phủ để thực hiện việc trả lương cho nhân viên của họ, mức hỗ trợ tương tự như với các cá nhân kinh doanh.
Ở cấp độ doanh nghiệp, họ được tiếp cận các chương trình cho vay vốn được thiết kế đặc biệt cho dịch bệnh. Thí dụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các khoản vay tối đa 5 triệu bảng, có thể dài hạn tới 6 năm, được miễn trả lãi trong 12 tháng. Với các doanh nghiệp lớn hơn, chính phủ hỗ trợ bằng cách mua các thương phiếu do các doanh nghiệp này phát hành với kỳ hạn ngắn hơn trong vòng 12 tháng.
Tất cả các khoản vay này đều phải phục vụ cho mục đích hỗ trợ dòng tiền ngắn hạn (mặc dù kỳ hạn khoản vay dài như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa), và thuyết phục được rằng nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì dòng tiền hoạt động đủ để trả nợ. Điểm đặc biệt nữa là chính phủ có thể bảo đảm tới 80% giá trị của các khoản vay để các ngân hàng yên tâm, mặc dù bên đi vay vẫn phải có trách nhiệm hoàn toàn với khoản vay đó.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ về mặt thuế cũng như phí thuê mặt bằng kinh doanh tùy loại hình. Cụ thể, các doanh nghiệp được chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 3 tháng, hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, lưu trú sẽ được miễn các loại thuế phí liên quan tới mặt bằng kinh doanh.
Mặc dù các giải pháp hỗ trợ được cho là tốt nhất có thể và giá trị khoản hỗ trợ lên tới 15% GDP chưa từng có tiền lệ, không có bất kỳ hàm ý nào liên quan tới đảo nợ hoặc miễn thuế. Các khoản vay của doanh nghiệp đều phải đảm bảo rằng nó phục vụ cho sự tồn tại của doanh nghiệp với bài test giả định rằng nếu không có dịch bệnh thì dòng tiền là lành mạnh. Các khoản chậm thuế không có nghĩa là doanh nghiệp không phải trả thuế. Tuy nhiên, các khoản trả lương cho người lao động trong thời gian dịch bệnh có thể được giảm trừ thuế cho doanh nghiệp sau này.
Nói tóm lại, những giải pháp mà chính phủ Anh đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế tập trung vào 2 thông điệp chính: hỗ trợ dòng tiền hoạt động và không hàm ý đảo nợ hay miễn giảm thuế. Sự hỗ trợ của chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh dễ chịu hơn, thí dụ thông qua mặt bằng lãi suất thấp, và cung cấp sự bảo lãnh tạo niềm tin cho các quan hệ tín dụng.
Chỉ một phần trong tổng thể gói hỗ trợ thực tế có ảnh hưởng tới ngân sách, nhưng đó là ngân sách trong tương lai do việc giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp trả lương nhân viên ở hiện tại.