Kinh tế tăng trưởng tích cực
Năm 2024, kinh tế TP.HCM đạt mức tăng trưởng 7,17%, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau năm 2023 với mức tăng trưởng chỉ đạt 5,8%. Đặc biệt là trong Quý 3 và Quý 4, mức tăng trưởng của thành phố lần lượt đạt 7,36% và 7,92%
Những con số này không chỉ phản ánh nền kinh tế của TPHCM đang dần đi vào sự ổn định sau cuộc khủng hoảng của COVID-19, mà còn cho thấy xu hướng tăng trưởng liên tục. Nhất là Quý IV, với mức tăng trưởng gần 8%, có thể là cơ sở để TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025.
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên TPHCM thu ngân sách được hơn 508.000 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 13,3% so với năm trước. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các ngành kinh tế chủ lực, như: công nghiệp với mức tăng trưởng 7,26%, lĩnh vực xuất khẩu tăng 8,3%, hoạt động lưu trú du lịch với doanh thu tăng 24,7%. Đặc biệt là khu vực dịch vụ, động lực quan trọng của TPHCM có mức tăng trưởng 7,7%, chiếm tỷ trọng 65,5% GRDP của thành phố.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho rằng những con số trên là kết quả của nỗ lực không ngừng từ phía lãnh đạo thành phố trong điều hành với nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Năm 2024, TP đã có những đột phá quý sau tăng trưởng luôn khả quan hơn quý trước. Các giải pháp ngày càng tích cực hơn để giải quyết đúng vấn đề tắc nghẽn, giúp năm 2024 đạt được thành quả kinh tế khá tốt trong điều kiện hiện tại.
Bên cạnh những chỉ số đầy niềm tin, thì vẫn còn những con số mà TPHCM không đạt được kế hoạch như đề ra, đó là mức tăng trưởng chỉ đạt 7,17%, trong khi chỉ tiêu đề ra đầu năm là từ 7,5% đến 8%. Kế hoạch giải ngân hơn 79.000 tỷ mới chỉ đạt hơn 77%. Số lượng doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường tăng 17,2% với 36.700 doanh nghiệp, dẫn đến nhiều cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn và phải đóng cửa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ -Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: Ngành công thương cũng đối diện với những hạn chế và khó khăn do sự phát triển của các trung tâm mua sắm, của thương mại điện tử cũng làm dịch chuyển về hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng, dẫn đến một số chợ truyền thống mãi lực giảm. Các cửa hàng trên phố là khó khăn phải lại trả mặt bằng. Việc khai thác các diện tích đất đưa vào sản suất công nghiệp còn chậm, các đề án triển khai chưa kịp tiến độ, yêu cầu.
Cuộc cách mạng về thủ tục hành chính
Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, đây có thể được xem là một mục tiêu đầy tham vọng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế -Tiến sĩ Trần Du Lịch hoàn toàn tin tưởng và cho rằng mục tiêu này có cơ sở vững chắc, bởi hai điểm nghẽn cho sự phát triển của TPHCM là thể chế và cơ sở hạ tầng đang được Trung ương tích cực hỗ trợ, tháo gỡ. Từ đó sẽ giúp nền kinh tế của thành phố hấp thụ được nguồn vốn tiềm năng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch phân tích thêm: Thành phố đang tập trung giải quyết những dự án quy hoạch treo, đặc biệt và tháo gỡ để mở rộng quy mô các khu công nghiệp mà trong nhiều năm mới được mở rộng để thu hút đầu tư. Các công trình sắp tới sẽ là đại công trình, ví dụ như Rạch Xuyên Tâm... những cái đó tác động nền kinh tế rất lớn.
Đầu tư công có tác động lan tỏa rất lớn cho nền kinh tế (Ảnh HK)
Một trong những yếu tố then chốt được kỳ vọng góp phần đưa tăng trưởng của TPHCM lên mức hai con số, đó là sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Năm 2025, tổng vốn đầu tư công của TPHCM dự kiến đạt 84.000 tỷ đồng, cộng với số vốn đầu tư công năm 2024 chuyển sang, tổng cộng hơn 100.000 tỷ đồng. Đây là một nguồn vốn khổng lồ, gần bằng với tổng vốn đầu tư công trong cả giai đoạn 2016-2020 của thành phố với 110.000 tỷ đồng.
Giải ngân đầu tư công là khó khăn mà năm nào TPHCM cũng phải đối diện khi luôn không đạt được chỉ tiêu đặt ra. Trong bối cảnh hệ thống chính trị của cả nước đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 18 về tinh giản, tinh gọn bộ máy thì theo ông Nguyễn Văn Nên- Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM, khi số lượng người ít đi, khối lượng công việc tăng lên và nhiệm vụ nặng nề hơn thì TPHCM cần phải có giải pháp mới, cách làm mới:
Số vốn tăng như thế mà con người biện pháp, giải pháp vẫn như cũ thì phải tính toán lại. Ngay bây giờ bàn giải pháp, đó là phải có giải pháp mới, đột phá và mạnh mẽ hơn để TP có thể thực hiện nhiệm vụ nặng nề này. Bí thư Nên đề nghị từng dự án, từng địa phương, từng ngành, từng ban quản lý, từng tổ chức phải tính toán cái này.
Mấu chốt để mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 2 con số, theo ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố sẽ ưu tiên tập trung cao độ vào cải cách thủ tục hành chính.
Trong bối cảnh thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ về tinh giản, tinh gọn bộ máy, ông Mãi cho biết, TPHCM sẽ áp dụng “công thức 1-3-7” và công thức “3-3” để giải quyết các nhiệm vụ nhanh chóng và hiệu quả.
Theo “công thức 1-3-7” thì khi nhận nhiệm vụ, trong 1 ngày đơn vị phải phân công người thực hiện ngay. Trong giải quyết vướng mắc liên quan các sở, ngành sẽ không có chuyện ùn ứ, né việc, né trách nhiệm mà phải trả lời trong thời hạn 3 ngày. Đối với những công việc lớn cần nhiều thời gian giải quyết cũng không được quá thời gian 7 ngày.
Về “công thức 3-3”, ông Phan Văn Mãi cho biết: Một tổ công tác giải quyết một sự việc họp không quá 3 lần. Mỗi lần làm việc không quá 3 tuần. Lần đầu là đặt hết các vấn đề của sự việc đó lên. Lần thứ 2 nghe các giải pháp của các sở, ngành. Lần thứ 3, chúng ta chốt lại để giải quyết các tồn đọng. Thành phố phải tập trung cao cải cách hành chính, tăng cường kĩ cương, nâng cao hiệu quả hành chính. TP làm vậy mới tháo gỡ được khó khăn, tăng trưởng 2 con số.
Năm 2024, TP.HCM đã chứng minh khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế 7,17%, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng từ 10% năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức TPHCM phải đối diện, đó là khả năng giải ngân vốn đầu tư công, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ chủ lực của thành phố…. Nhìn vào giải pháp đặt ra của TPHCM trong năm 2025, giới chuyên gia tin rằng, nếu thực hiện được một cách quyết liệt, triệt để, mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn có thể đạt được.