Cải cách hiệu quả, khơi thông nguồn lực

(ĐTTCO) - Với quyết tâm giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế, hướng đến trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, là đô thị thông minh - sáng tạo của cả nước, năm 2021, TPHCM đã phát đi thông điệp “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” nhằm khơi thông mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), start-up phát triển.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp là động lực tăng trưởng
Sau ngày đất nước thống nhất, TPHCM đã không ngừng lớn mạnh, luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Từ năm 2011 đến 2019, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song TPHCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,66 lần mức bình quân chung của cả nước (5,8%).  
Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế của TPHCM trước khúc quanh thời cuộc đang bị ảnh hưởng bởi những biến động sâu sắc và đối mặt nhiều bất trắc. Năm 2020, lần đầu tiên sau nhiều thập niên, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (chưa bằng 1/2 cả nước). Do thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn, giảm thuế nên tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên giảm 14,2%.
Chính quyền TPHCM phải cắt giảm gần 10% chi ngân sách địa phương, trong khi đó nhu cầu về vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng rất lớn. Xu hướng dịch chuyển DN lớn ra khỏi TPHCM ngày càng rõ nét do sự vươn lên, cạnh tranh thu hút đầu tư của các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế TPHCM chịu tác động đan xen nhiều mặt. 
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, đội ngũ DN, doanh nhân chính là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021. Do vậy, TPHCM kiên trì các giải pháp mang tính quyết định, trong đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được đặt lên hàng đầu.
UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành kiện toàn hành lang pháp lý, kỷ luật trong thực thi công vụ; đổi mới quy trình xử lý công việc với tinh thần đột phá; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, gây cản trở cho người dân và DN. TPHCM sẽ chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo sự chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống.
Còn nhiều dư địa phát triển
Cùng với cải cách hành chính, môi trường đầu tư, cuối năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt và ban hành hàng loạt các chương trình, đề án trọng điểm. Đặc biệt, TPHCM tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Triển khai thực hiện Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Song song đó, xây dựng TPHCM thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - TP Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho TPHCM và cả vùng.
Bàn về các giải pháp để TPHCM giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, TPHCM phải chủ động tính toán lại bài toán phát triển vùng kinh tế, chứ không phải riêng TP để phát huy tốt nhất các nguồn lực.
TP phải giải quyết cho được vướng mắc về cơ cấu hạ tầng, phát huy được vai trò của cảng biển, logistic vì hiện nay nguy cơ tắc nghẽn quá lớn do sự phát triển thiếu đồng bộ. TPHCM cần nắm bắt và đa dạng các nguồn lực là động cơ mới để thúc đẩy kinh tế đang định hình rõ nét như DN tư nhân, đô thị hóa, trung tâm tài chính, dịch vụ như y tế, giáo dục... Chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào những ngành trọng tâm vì nếu không lựa chọn chính xác, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn hậu Covid-19.
 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở KH-ĐT TP khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư; bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình kích cầu đầu tư để đáp ứng được yêu cầu của DN trong giai đoạn mới, dự kiến sẽ trình HĐND trong tháng 7-2021. Chương trình này khuyến khích cộng đồng DN, nhất là doanh nhân trẻ, DN khởi nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc cùng TP hoạch định chính sách đầu tư, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như điện tử, công nghệ, tài chính, giáo dục, y tế...

Các tin khác