'Cái phao' để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

(ĐTTCO)-6 tháng năm 2023 đã đi qua - một chặng đường mà đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi.
Trong cuộc họp với các địa phương mới đây, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới. (Ảnh minh họa)
Trong cuộc họp với các địa phương mới đây, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới. (Ảnh minh họa)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm của nước ta tăng 3,72%. Tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, tạo đà cho các tháng tiếp theo. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm nay, đòi hỏi cả cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh cho rằng, những giải pháp mà Chính phủ thực hiện trong thời gian qua mang lại niềm tin của doanh nghiệp vào sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đồng hành cũng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong đó, Nghị quyết số 58/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong ngắn hạn. Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những hành động cụ thể, để các gói hỗ trợ nhanh chóng đến được với doanh nghiệp.

Theo ông Lê: "Về việc tháo gỡ các nút thắt, để đến 2025 có 1 triệu doanh nghiệp thì rất tuyệt vời. Đây là một thông điệp quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn rất khó khăn này. Doanh nghiệp chúng tôi như có được cái phao. Những chính sách của Nhà nước đều hướng đến sự tốt đẹp, những vấn đề thực thi, việc triển khai các chính sách đó thì tôi rất trăn trở".

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, doanh nghiệp đang phải đối diện với 3 nhóm khó khăn lớn nhất là khó khăn về dòng tiền, khó khăn liên quan đến thị trường và khó khăn về vấn đề lãi suất. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cũng là một rào cản, gây ra sự ức chế, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Có đến hơn 40% doanh nghiệp vẫn phải chi những khoản không chính thức khi đi làm thủ tục hành chính. Trước những khó khăn đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp phù hợp:

"Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần quán triệt, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng được một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thật cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng phải được nâng lên, thông qua hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra và cả công cuộc phòng chống tham nhũng. Việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và thực hiện các biện pháp khác, kể cả việc an sinh xã hội cũng rất cần thiết" - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ về tài khóa của doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng của một số yếu tố khó khăn như: Các thủ tục phức tạp, yêu cầu chặt chẽ về đối tượng áp dụng, hạn chế trong tiếp cận thông tin, các giải pháp hỗ trợ không phù hợp hoặc không đủ lớn. Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ cho thấy, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là chưa đồng bộ, cần được khắc phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu thực tế: "Chính sách của mình đưa ra rất nhiều. Tôi ví dụ như việc cải cách thủ tục hành chính là rất quyết liệt. Tổng kết lại ta cũng rút ra được nhiều bài học. Chúng tôi họp Quốc hội cũng đưa ra bàn thảo rất nhiều. Thực tế chúng ta vẫn kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, vẫn khoanh nợ, vẫn hoãn nợ và giảm lãi suất.

Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Vậy thì tại sao doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn? Kể cả Quốc hội và Chính phủ đều bàn rất nhiều về việc này, nhưng vẫn cần có thời gian để tìm được lối ra".

Trong cuộc họp với các địa phương mới đây, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường hiệu quả về mặt quản trị. Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp cũng rất rõ ràng. Các tổ chức tín dụng cũng sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vấn đề quan trọng vẫn ở sự chủ động nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp.

"Việc ứng dụng công nghệ số, cái gì là chuẩn, hữu ích cho doanh nghiệp thì họ cần hỗ trợ. Thứ 2, vấn đề muôn thuở của doanh nghiệp vừa và nhỏ là tiếp cận tài chính. Tôi nhìn thấy có 2 khó khăn đó, nhưng đồng thời có nhiều giải pháp cho doanh nghiệp để xử lý các vấn đề đó, quan trọng là phải biết cách".

Dù còn những hạn chế nhất định, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, các chính sách dần hoàn thiện, phù hợp và kịp thời hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao khả năng phục hồi và tăng trưởng của Việt Nam. Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Các tin khác