Tín hiệu tích cực từ khối FDI
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn Intel, cho biết, công ty vừa được UBND TPHCM cấp phép mở rộng đầu tư nhà máy tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Theo đó, công ty này đã điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư thêm 475 triệu USD cho hạng mục nhà máy lắp ráp và kiểm định. Mức vốn đầu tư bổ sung trên cho phép tập đoàn này tăng cường sản xuất sản phẩm 5G của Intel, bộ vi xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
Cũng theo bà Uyên, nguồn vốn đầu tư bổ sung trên sẽ giúp công ty tiếp tục giải quyết hiệu quả những giới hạn trong đổi mới sáng tạo công nghệ và năng lực của đội ngũ nhân lực tại Việt Nam, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu của tập đoàn. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam đã hơn 1,5 tỷ USD.
Cùng thời điểm, hàng loạt tập đoàn đình đám cũng đổ mạnh vốn vào Việt Nam, trong đó có TPHCM. Đáng chú ý như Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC EC Complex đã tăng thêm vốn đầu tư 330 triệu USD cho dự án sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, gia công thiết bị và kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm điện tử gia dụng; Công ty TNHH Nipro Việt Nam đầu tư thêm 6.473 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất thiết bị y khoa; Tập đoàn CJ đầu tư thêm dự án sản xuất bánh ngọt, kem cà phê với mức vốn 486 tỷ đồng…
Doanh nghiệp nội còn tâm tư
Trái chiều với sự hồ hởi của DN ngoại, nhiều DN nội cho rằng đang chịu thiệt thòi bởi chính sách “tham đó bỏ đây”. Trong bối cảnh DN ngoại được tạo nhiều điều kiện để đầu tư phát triển tại Việt Nam thì DN nội phải chật vật đấu tranh để tháo gỡ rào cản đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội DN Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN), cho biết, với một DN ngoại đầu đàn, chỉ cần vài tháng là có thể hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng tại Việt Nam. Với DN trong nước, cũng công việc ấy nhưng thường phải mất vài năm. Đơn cử, tại KCN Hiệp Phước, do chưa xác định được đơn giá đất cho thuê nên đến nay nhiều DN vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc huy động vốn của DN.
Về phía chủ đầu tư KCN Hiệp Phước cũng gặp khó khăn khi hơn 200ha đất của KCN đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng thu hút nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Trường hợp Công ty Cơ khí Duy Khanh là một điển hình. Để có thể hoàn tất giấy phép đầu tư và khởi công xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu Công nghệ cao TPHCM, công ty phải mất 4 năm.
Không chỉ gặp phải rào cản trong hoạt động đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, thương mại… cũng có rất nhiều quy định bất cập gây khó cho DN. Nhiều nhất là những quy định về kiểm tra chuyên ngành - vẫn tiếp tục là nút thắt làm nghẽn sự bứt phá của DN.
Đơn cử, cùng một giấy phép xây dựng nhưng với ngành công nghiệp chế tạo phải đồng thời được ngành công thương và ngành xây dựng cấp phép. Hoặc cùng sản xuất sản phẩm lương thực, thực phẩm, nhưng DN bị buộc phải tách thành 2 dây chuyền sản xuất (một cho xuất khẩu và một cho thị trường trong nước). Nguyên nhân, Bộ Y tế yêu cầu sản phẩm chế biến cho thị trường trong nước phải thêm vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó, với sản phẩm xuất khẩu thì nhiều nước trên thế giới không cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng này.
Hay như, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra DN không quá 2 lần/năm và phải hợp nhất các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Thế nhưng, trên thực tế, DN trong nước vẫn phải tiếp cả hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra với nội dung tương tự.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ ngành tháo gỡ. Thậm chí có bộ ngành báo cáo Chính phủ đã tháo gỡ 50% quy định kiểm tra chuyên ngành không phù hợp, nhưng thực chất chỉ là “đánh tráo” từ kiểm tra trước sang kiểm tra sau tại kho của DN. Công tác thanh tra, kiểm tra của nhiều bộ ngành, địa phương vẫn đang gây khó cho DN. Đáng quan ngại hơn, một số bộ ngành còn “nhét” các quy định “thắt chặt” hơn so với luật vào các thông tư, hướng dẫn của ngành. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để, DN nội rất khó để bứt phá.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về số DN nội, nếu tính theo quy mô vốn, năm 2015, cả nước có 441.486 DN. Trong đó có 21.571 DN quy mô lớn - có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng trở lên (DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng) hoặc trên 50 tỷ đồng (DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ). Đến năm 2020, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động. Trong đó, 541.753 DN có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV). Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Ngoài ra, số lượng DN qua các năm đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt, từ năm 2016 số DN thành lập mới luôn tăng hơn 100.000 DN mỗi năm. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển trên cũng có hàng chục ngàn DN rời bỏ thị trường. Chỉ riêng năm 2020 đến hết quý 1-2021, đã có hơn 140.000 DN rời thị trường. Phần lớn trong số đó là DNNVV. Nguyên nhân, một mặt là do vốn mỏng, nội lực yếu nên không chịu được cú sốc trên thị trường như dịch bệnh, thiên tai, nhất là khả năng cạnh tranh với DN ngoại trong bối cảnh DN ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam. Mặt khác, các DNNVV không có nhiều điều kiện để tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ tài chính. Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, đây là đối tượng DN dễ bị “tổn thương” nhất. |