Để hiểu kỹ hơn về quá trình chuyển đổi công nghệ lần này, ĐTTC đã trao đổi với ông DAVID DƯƠNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VWS.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vài năm trước chôn lấp rác là giải pháp hiệu quả nhưng nay công nghệ đốt đang nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy VWS đã có những bước chuyển ra sao trước yêu cầu mới này?
Ông DAVID DƯƠNG: - Thời gian đầu, khi làm việc với TPHCM chúng tôi có đưa ra nhiều ý tưởng công nghệ khác nhau. Ở thời điểm đó chính quyền TP quan tâm nhất là làm sao việc xử lý rác không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt giá thành phải rẻ, nên công nghệ được chọn lúc đó là chôn lấp. Ngay trong việc sử dụng công nghệ chôn lấp, chúng tôi cũng thực hiện phương thức tiên tiến nhất. Tuy nhiên với đà phát triển chung đã đặt ra yêu cầu mới trong xử lý rác bằng công nghệ cao hơn: công nghệ đốt.
Với kinh nghiệm hàng chục năm xử lý rác ở TPHCM, chúng tôi hiểu khá rõ thành phần và khối lượng rác và cũng đã nghiên cứu trong suốt 2 năm qua những cách thức, công nghệ xử lý có thể tái chế rác để giảm giá thành, bởi nếu rác được đốt hết chi phí rất cao. Phương án này chúng tôi dự kiến trình TP trong thời gian tới. Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu làm sao để biến rác thành điện, khí nén lỏng, phân hữu cơ để làm nguyên liệu cho sản xuất sạch…
Cuối cùng thành phần còn lại rất ít, không mang lại lợi ích cho xã hội mới đưa vào lò đốt làm ra điện. Hiện thành phần rác của TPHCM có tới 70% là rác hữu cơ nếu đem đi đốt hết chi phí rất cao, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng tôi đang nỗ lực để trong khoảng 10 năm tới sẽ đi theo hướng làm sao chỉ còn khoảng 15% rác dùng công nghệ chôn lấp.
- Được biết hiện có hơn 30 nhà đầu tư nước ngoài đề xuất được triển khai dự án đốt rác phát điện tại TPHCM. Điều này liệu có tạo sức ép cho công ty trong thay đổi công nghệ, thưa ông?
- Tôi nghĩ tất cả công nghệ đều tốt nhưng phải cân nhắc kỹ công nghệ đó đã thực hiện được bao lâu rồi và quan trọng hơn giá thành như thế nào. Hiện trên thế giới có hàng trăm công ty sử dụng công nghệ đốt, nhưng công nghệ nào phù hợp với loại rác nào và có thể giải quyết được số lượng rác lớn, là vấn đề quan trọng.
Những lò đốt 200 tấn hiện nay rất nhiều nhưng khi số lượng rác lên tới hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đòi hỏi công nghệ xử lý phải cao hơn. Chúng tôi hoàn toàn tự tin với kinh nghiệm của mình trong việc chọn những công nghệ đã thành công ở nhiều nước trong vài chục năm gần đây nhằm xử lý rác đạt hiệu quả hữu ích cao nhất. Chúng tôi sẽ nộp kế hoạch này cho lãnh đạo TP, và nếu được chấp nhận chúng tôi sẽ đưa công nghệ này vào triển khai.
- Hiện lượng rác thải cũng như chủng loại rác tại TPHCM không ngừng gia tăng khiến việc thu gom, xử lý rác không theo kịp thực tế phát sinh. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu gom, xử lý rác, theo ông nên cần những giải pháp nào?
Ông David Dương thăm hỏi các bệnh nhân được mổ mắt.
- Tham gia lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải ở Hoa Kỳ gần 30 năm nay chúng tôi biết rõ vấn nạn rác thải ảnh hưởng ra sao. Cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, dân số, thành phần rác và khối lượng rác thải hàng ngày cũng tăng và đa dạng hơn. Việc này cần phải theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Công ty chúng tôi đã đầu tư thêm dự án Khu Công nghệ môi trường xanh ở Long An, với mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD để giải bài toán xử lý rác cho TPHCM và vùng trọng điểm phía Nam trong những năm tiếp theo.
Hiện nay người dân chưa có thói quen phân loại rác nên những nhà đầu tư như chúng tôi phải nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thích ứng với từng công đoạn phân loại, xử lý rác. Thí dụ, công nghệ để xử lý rác thải y tế, rác thải độc hại tại Việt Nam theo tôi được biết việc ứng dụng vẫn đang triển khai rất chậm. Vì thế, chúng tôi sẽ sớm đưa công nghệ mới nhất để xử lý các loại rác thải đó. Xin khẳng định chúng tôi luôn nghiên cứu kỹ trước khi làm, bởi xử lý rác không phải để đối phó mà phải đảm bảo tính an toàn trong lâu dài.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng cần phải có sự đồng bộ trong thu gom và xử lý rác. Ở Hoa Kỳ chúng tôi thực hiện luôn việc thu gom rác từ dân cư, nên ngoài việc vận động phân loại rác từ nguồn, doanh nghiệp có quyền đề nghị xử phạt những người bỏ rác hoặc phân loại rác không đúng quy định.
Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo TP tuyên truyền nhiều hơn về việc xả thải như thế nào, giúp người dân hiểu rõ khi phân loại rác sẽ mang lại lợi ích ra sao. Quan trọng hơn phải có biện pháp để có thể thu gom được 100% rác thải. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện lượng rác thu gom của TP mới đạt khoảng 80-90%, có nghĩa còn rất nhiều rác ở khu ven đô của TP, trên các kênh rạch gây ô nhiễm trầm trọng. Thực tế trong tháng 12-2017 chúng tôi đã tài trợ 381 thùng rác cho các hộ nghèo và công cộng tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
- Việc phải có giải pháp đồng bộ trong thu gom và xử lý rác là cần thiết. Nhưng việc xe thu rác lưu thông đang gây ô nhiễm thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi đang nhập, tặng TP 2 xe rác chuyên dụng với những công nghệ mới để góp phần làm thay đổi hình ảnh những chiếc xe rác, khiến chúng trở nên thân thiện hơn. Những kỹ sư của chúng tôi đã nghiên cứu kỹ trước khi mang những chiếc xe chuyên dụng này về Việt Nam để phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tế.
Theo đó, những chiếc xe này sẽ được sơn màu đồng bộ để khi di chuyển trên đường người dân dễ nhận diện. Những xe này có thiết kế trọng tải lớn, có gắn camera 360 độ để tài xế có thể quan sát toàn bộ xung quanh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Quan trọng hơn nếu những xe rác hiện tại khi dừng ở trên đường thường tỏa ra những mùi khó chịu, với loại xe mới khi đạp thắng sẽ phun sương tạo ra mùi thơm dễ chịu giúp người đi đường không có cảm giác đang đứng cạnh xe rác. Sau khi tặng xe chuyên dụng, chúng tôi sẽ xây dựng những trạm trung chuyển rác mới hoàn toàn khác, thậm chí người dân có đi ngang cũng không biết đó là trạm trung chuyển rác. Những trạm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn làm đẹp cảnh quan đô thị, thúc đẩy du lịch TPHCM.
- Xin cảm ơn ông.
Thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải chính là lựa chọn công nghệ phù hợp với thành phần rác của Việt Nam. Chúng tôi có các chuyên gia phân tích thành phần rác trong nhiều năm qua, tìm kiếm những công nghệ phù hợp để có thể đầu tư lâu dài. Lần này khi gửi phương án cải tiến công nghệ lên lãnh đạo TPHCM, chúng tôi hy vọng sẽ sớm được chấp nhận, bởi đội ngũ kỹ sư của chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Chúng tôi cũng kiến nghị TP nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm trung chuyển, đường vận chuyển rác hợp lý để phát triển công năng Khu Công nghệ môi trường xanh Long An. Đó sẽ là nơi giải quyết những vấn nạn rác thải trong tương lai, bảo đảm ổn định trong xử lý rác, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. |