PHÓNG VIÊN: - Theo ông khi hoạt động du lịch trở lại doanh nghiệp (DN) sẽ có những khó khăn gì?
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Trước hết là về thị trường, hiện bức tranh phục hồi, thời điểm phục hồi vẫn đang trong làn khói mờ. Đợt dịch này khác rất nhiều những lần trước, nó đánh thẳng vào TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn của cả nước và cũng là trung tâm thị trường nội địa lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức mua của du khách.
Chúng ta cần thêm thời gian cho quá trình phục hồi, trước mắt là phục hồi về mặt kinh tế nói chung, sau đó mới có thể bàn chi tiết hơn đến khả năng phục hồi của ngành du lịch nói riêng.
Khó khăn thứ hai mà DN phải đối mặt chính là năng lực phục vụ. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch, nguồn nhân lực của các DN đã rơi rụng nhiều, để phục hồi các DN cần có thời gian tuyển dụng và tái đào tạo.
Ngoài ra một khó khăn nữa cũng được các DN nhắc đến rất nhiều là nguồn lực tài chính. 4 đợt dịch khiến DN kiệt quệ nay khi trở lại rất cần có nguồn lực tài chính để phục hồi.
Khăn cho lần trở lại này không ít, song ở góc nhìn tích cực cũng có thể thấy một vài điểm lạc quan cho các DN. Sau gần 2 năm đối phó với 4 đợt dịch DN đã có kinh nghiệm nhiều hơn. Đặc biệt với sự năng động của DN Việt, họ sẽ biết làm như thế nào để vận hành tốt trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, với những DN còn tồn tại sau đợt dịch lần thứ 4 đều là những DN có năng lực lõi vững chắc, và họ sẽ là những đầu tàu kéo ngành du lịch trở lại.
Quan trọng hơn là dựa trên những dữ liệu về quan sát thị trường khách du lịch, thì khách Việt Nam được xem là khá lạc quan, thường có phản ứng tích cực sau khủng hoảng.
Điều này chúng ta có thể nhìn thấy ở cả 3 đợt dịch đầu tiên. Tất nhiên lần 4 này sẽ cần nhiều thời gian hơn, nhưng DN cũng có thể tự tin vào sự phục hồi của thị trường nội địa.
- Sau dịch tâm lý của du khách, cái nhìn về điểm đến của họ hẳn cũng có nhiều thay đổi. Vậy các DN, các địa phương nên có những thay đổi như thế nào? Chúng ta có nên tung ra các chương trình kích cầu như 3 đợt dịch trước hay không?
Nếu đã mở cửa đón khách, không chỉ đảm bảo an toàn riêng cho địa phương mình, mà phải coi khách du lịch là một phần để phục hồi kinh tế địa phương từ đó sẽ có những chính sách hài hòa hơn. |
Nhưng bước đầu nhận thấy du khách thay đổi khá nhiều, như vậy thời gian tới các DN cũng như các địa phương cũng cần có thay đổi. Không thể phục vụ cái chúng ta có mà phải phục vụ cái khách cần, phải đặt khách làm trung tâm, hiểu khách thích gì, lo lắng điều gì để có những phương án phù hợp.
Như tôi đã nói khả năng phục hồi của thị trường còn khó đoán định, nên các DN nên tập trung vào năng lực lõi, vào thị trường mục tiêu hơn là đi dàn trải.
Còn về các chương trình kích cầu theo tôi giai đoạn này chưa phù hợp. Suốt từ năm ngoái sau 3 đợt dịch ngành du lịch nói rất nhiều đến kích cầu. Nhưng với những khác biệt của lần thứ 4 này cái cần nói tới là một chương trình tổng thể để phục hồi kể cả với nội địa và quốc tế.
Nhìn qua các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, cái mà chúng ta thiếu là một chương trình mang tầm quốc gia. Chúng ta thường làm theo cách sau mỗi đợt dịch lại phát động một chương trình mang tính thời điểm.
Sau 4 đợt dịch chúng ta không chỉ mất khách mà còn mất khá nhiều thứ. Bây giờ cần phải phục hồi cả về năng lực DN, hình ảnh thương hiệu, truyền thông với những kế hoạch chi tiết, dài hạn.
- Bên cạnh thị trường nội địa, ngành du lịch cũng sẽ thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 11 này ở Phú Quốc. Theo ông chúng ta cần làm gì để không bỏ lỡ cơ hội đón khách quốc tế?
Nếu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, việc thí điểm đón khách quốc tế lần này chúng ta có một số điểm còn yếu thế hơn. Thứ nhất về thương hiệu điểm đến. Chúng ta chọn Phú Quốc, một điểm đến đẹp trong mắt người Việt Nam, nhưng so với Phuket (được Thái Lan chọn để đón khách quốc tế) thì không bằng.
Thứ hai về công nghệ chúng ta cũng yếu thế hơn các nước trong cuộc đua lần này. Dù vậy Việt Nam cũng sẽ phải làm hết sức cho lần mở cửa đón khách quốc tế này. Ở thời điểm này chúng ta không được thất bại vì như vậy sẽ thiệt hại rất nặng nề. Việt Nam cần có một kịch bản chi tiết, tổng thể cho kế hoạch đón khách quốc tế.
Cách đây ít lâu có thông tin tháng 6-2022 Việt Nam có thể mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, sau đó Tổng cục Du lịch bác bỏ thông tin này. Điều này làm các DN rất thất vọng, vì khách quốc tế rất khác khách nội địa.
Họ không đứng sẵn chờ chúng ta mở cửa để vào mà cần có thời gian 6 tháng đến 1 năm cho các kế hoạch đón khách. Với những thông tin đến thời điểm này tôi nhận thấy còn khá chung chung.
Chúng ta dự kiến đón một lượng khách nhất định đến Phú Quốc nhưng nguồn khách ấy từ đâu, làm sao đón họ, thông điệp truyền thông như thế nào thì chưa rõ ràng. Ngoài ra còn phải có các kịch bản ứng phó vì chúng ta không thể kỳ vọng đón khách mà không phát sinh ca bệnh, khi ấy sẽ xử lý như thế nào để không mang lại trải nghiệm xấu cho du khách.
Theo góc nhìn của tôi, Phú Quốc nên là thử nghiệm để hoàn thiện các kế hoạch phương án tổng thể để mở rộng trên cả nước. Chứ không phải thí điểm ở Phú Quốc thành công mới đến các địa phương khác. Khách quốc tế không nhớ đến từng địa phương mà nhớ đến hình ảnh quốc gia. Vì vậy một chiến lược tổng thể là không thể thiếu.
- Xin cảm ơn ông.
- Xin cảm ơn ông.