Cần có chính sách đặc biệt để thu hút kiều hối về Việt Nam

(ĐTTCO) - Đó là đề xuất của các chuyên gia khi góp ý xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, năm 2018, kiều hối chuyển về TPHCM đạt 4,7 tỷ USD, năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, năm 2021 đạt mức cao nhất, lên đến 7,1 tỷ USD (tăng 16%). Đến năm 2022, giá trị tuyệt đối giảm về 6,6 tỷ USD. Dù vậy, đây vẫn là mức cao so với các năm trước.

Lượng kiều hối về TPHCM luôn chiếm 38-53% tổng mức kiều hối đổ về Việt Nam. Trong đó, năm 2021 chiếm hơn một nửa lượng kiều hối đổ về cả nước. Nếu so với tổng thu nhập GRDP, kiều hối chiếm khoảng 38%.

Tại hội thảo góp ý xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TPHCM, nhận định cần có dự báo tổng tiềm năng tối đa kiều hối về TP, để từ đó có các chính sách thu hút cụ thể.

Đề xuất được đưa ra để thu hút kiều hối là cần giữ ổn định tỷ giá và phát huy các trụ cột chính của TP là ở các lĩnh vực tài chính ngân hàng, logistics và du lịch. Đây là các lợi thế của TP. Kiều bào phải thấy được TPHCM là thành phố đáng sống, khi đó mới thu hút kiều hối cao.

GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ, nêu đề nghị cho phép, khuyến khích bà con được sở hữu nhà ở để thu hút kiều hối hiệu quả vì hiện nay khi mua nhà trong nước nhờ người thân đứng tên có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các lĩnh vực có xu hướng sẽ tăng trong việc thu hút kiều hối, mang lại nguồn kiều hối bền vững trong tương lai như thiện nguyện, du lịch...

Tương tự, ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia cũng chia sẻ, nguồn lực từ kiều bào Việt Nam đang sống tại Úc rất lớn, cần nghiên cứu các chính sách phù hợp với kiều bào tại các nước phát triển, trong đó có Australia, để thu hút kiều hối.

"Hiện nay, ngoài giúp gia đình, kiều bào cũng kỳ vọng nguồn tài chính nhàn rỗi của họ được đầu tư mang lại hiệu quả, như mong muốn sở hữu nhà, bất động sản ở quê hương. Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì nguồn tiền sẽ được họ đầu tư ngay ở nước sở tại, mà không chuyển về nước", ông Khôi nhấn mạnh,

Các tin khác