Hàng loạt dự án trọng điểm
Tỉnh Tây Ninh đã có nghị quyết đồng thuận triển khai thực hiện dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, tuy nhiên TPHCM vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công dự án. Theo quy định của Luật Đầu tư đối với phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP), UBND các tỉnh phải có báo cáo trình HĐND để xem xét, chấp thuận về đề xuất thực hiện dự án. Sau đó, các đơn vị chức năng mới thực hiện các bước tiếp theo.
Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã có nhiều văn bản đề nghị Sở KH-ĐT khẩn trương rà soát, tham mưu UBND TPHCM các nội dung về cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Nhưng đến nay Sở KH-ĐT vẫn trong giai đoạn nghiên cứu do vướng nhiều thủ tục, cần kiến nghị cấp Trung ương giải quyết.
Việc chậm trễ thực hiện các thủ tục thông qua chủ trương đầu tư sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án và có nguy cơ đội vốn bởi giá vật liệu cũng đang ở mức rất cao. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay, chi phí giải phóng mặt bằng đã chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư dự án.
Trong khi đó, TPHCM đã ban hành danh mục 28 dự án giao thông trọng điểm phải tập trung đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2025. Trong đó, có nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cầu Cần Giờ... Cụ thể, mục tiêu trong năm 2023, hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Hạ tầng giao thông TPHCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: QUỐC HÙNG
Về tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), năm 2023 sẽ khởi công các gói di dời về hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị mặt bằng để đến năm 2025 khởi công xây dựng. Đối với tuyến đường Vành đai 2, hiện cơ bản hoàn thiện hồ sơ để báo cáo. Tuy nhiên, hai đoạn khép kín đường Vành đai 2 này theo dự tính có vốn lớn, phải cân đối nguồn. Dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 để khởi công sớm.
Bên cạnh đó, TP phấn đấu sẽ khép kín đường Vành đai 2 cùng thời điểm với đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025. Đồng thời, TP cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Dự kiến tháng 5-2023 sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Song song đó, TP sẽ khởi động triển khai cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phối hợp với tỉnh Bình Dương để triển khai cao tốc TPHCM - Chơn Thành. TP cũng đang gấp rút chuẩn bị đầu tư một số công trình, nghiên cứu hồ sơ các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4...
Hiện tại, dự án đường Vành đai 3, 4 đang chờ lập tổ công tác để rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, môi trường, tổng mức đầu tư dự án cũng như phân chia dự án thành phần trong tổng thể 2 tuyến vành đai.
Trước đó, dự án Vành đai 3, TPHCM được giao là cơ quan chủ trì chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư. TP đã thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để rà soát, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhằm đẩy nhanh tiến độ kịp trình Quốc hội vào tháng 3 năm nay.
Kiến nghị giải pháp đột phá
Liên quan về cơ chế chính sách cũng như nguồn vốn để triển khai các dự án trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, các dự án khi trình trong năm 2023 UBND TPHCM yêu cầu các cơ quan liên quan phải đảm bảo đã hoàn thành hồ sơ.
Trong quý 1-2023, TP sẽ tập trung hoàn thiện phần việc này để xác định dự án, công trình nào sẽ triển khai, dự án nào có nguy cơ không hoàn thành sẽ điều chỉnh. Đối với tuyến đường Vành đai 3, 4, TP lập tổ công tác gồm các tỉnh thành có dự án đi qua và đại diện bộ ngành liên quan sẽ rà soát quy mô đầu tư, nguồn vốn, cơ chế... để sớm triển khai thực hiện, khép kín 2 tuyến này.
Sơ đồ đường Vành đai 4 TPHCM
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, TP đã kiến nghị trung ương cho phép TP xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư các dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo các tuyến giao thông trong phạm vi theo quy định (đường sắt đô thị, vành đai, cao tốc) và các vị trí tiềm năng trên địa bàn TP để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước đây, TP xin tiếp tục được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu.
Riêng các dự án xây dựng chuyển giao Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc quỹ đất kết hợp ngân sách trên địa bàn TP, TP được sử dụng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để kết hợp thực hiện đồng bộ dự án chỉnh trang đô thị, dự án xây dựng chung cư mới thay chung cư cũ, dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch, làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch.
Phải bảo đảm nguồn vốn ngay từ đầu
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM Trần Quang Thắng nhìn nhận, việc thực hiện đồng loạt dự án liên quan nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là nguồn vốn phải đảm bảo ngay từ đầu mới mong nhanh chóng triển khai, nếu không các dự án này nhiều khả năng “nằm trên giấy”.
Với hàng loạt dự án nhưng quỹ thời gian ngắn như vậy liệu có khả thi, ông Trần Quang Thắng đề nghị cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Còn TS Phạm Ngọc Công, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá, chắc chắn chi phí làm đường ở đô thị có chi phí cao hơn khu vực nông thôn, bởi giá đền bù, giải phóng mặt bằng cao và thường chiếm khoảng 50% vốn đầu tư công trình.
Do vậy, cần đảm bảo nguồn kinh phí để dự án triển khai đúng kế hoạch chứ không thể “có tiền đến đâu làm đến đó” như nhiều dự án trước đây. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án mà còn đội vốn lên gấp nhiều lần so với kinh phí ban đầu.