Cần duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Tình hình đăng ký DN trong năm 2023 được xem là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam, khi số DN thành lập mới tăng cao kỷ lục. Song kỷ lục ấy có thực đáng mừng?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Háo hức với con số

Theo số liệu được Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KH-ĐT) công bố, năm 2023 cả nước có 159.294 DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên số DN đăng ký thành lập mới trong năm đạt mức kỷ lục gần 160.000 DN, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022, và tăng 4,6% so với kế hoạch cả năm 2023.

Bên cạnh số DN thành lập mới, số DN quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 cũng đạt 58.412 DN. Qua đó, đưa số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt trên 217.706 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022. Đây cũng là năm thứ 2 số DN thành lập gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt qua mốc 200.000.

Cục Quản lý kinh doanh đánh giá, tình hình đăng ký DN là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Chữ “kỷ lục” xuất hiện trên rất nhiều phương tiện truyền thông, cùng với những nhận định tích cực của đại diện cơ quan quản lý và chuyên gia.

Cụ thể, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng đây là điều hết sức bất ngờ và nằm ngoài dự báo. “Kết quả này thể hiện sức sống của DN Việt Nam rất mạnh mẽ, cho thấy cộng đồng DN, doanh nhân đang có niềm tin vào triển vọng đất nước, họ chớp lấy mọi cơ hội để đầu tư, kinh doanh, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội quốc gia” - ông Phương nhận định.

Đừng quá háo hức với con số DN thành lập mới (159.294 DN), bởi cùng với đó số DN rút lui khỏi thị trường thậm chí còn nhiều hơn (172.500 DN).

Cũng chia sẻ trên truyền thông, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh đây là con số rất tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang rất bất định. Bởi trong thế giới bất ổn như vậy rất khó xác định khả năng tăng trưởng hay những biến động sắp diễn ra.

Vì thế, kỷ lục về số DN thành lập mới là kết quả từ nỗ lực rất lớn của nhiều bên. Tương tự, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, không chỉ trong 2023 mà là đòn bẩy cho năm 2024.

Cũng đánh giá cao về cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam trong năm 2023, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng 2023 là năm vô cùng khó khăn do những biến động của tình hình kinh tế thế giới, khiến tỷ lệ DN phải tạm dừng sản xuất kinh doanh không hề nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là năm ghi nhận sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam vô cùng lớn.

Niềm vui có trọn vẹn?

Một câu hỏi không thấy được đề cập trên các phương tiện truyền thông, là số lượng DN thành lập mới kỷ lục ấy có thực sự mang nhiều ý nghĩa và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế hay không.

Để đi tìm câu trả lời, lại phải nhìn vào con số thống kê. Theo đó, số DN thành lập mới tăng nhưng tổng số vốn đăng ký thành lập DN, bổ sung vào nền kinh tế năm 2023 chỉ đạt khoảng 3,55 triệu tỷ đồng, giảm 25,3%.

Và theo Bộ KH-ĐT, số DN thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, khi có tới 144.400 DN thành lập mới, quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng số.

Lý giải số DN thành lập mới tăng, TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, số hộ kinh doanh trước đây cần làm ăn chính thức, được yêu cầu chuẩn hóa đầu ra, đầu vào hóa đơn chứng từ nên chuyển đổi sang hình thức DN.

Thứ hai, trước đòi hỏi mới, những cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, thị trường thương mại điện tử cũng phải đăng ký kinh doanh, nên số DN thành lập mới thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong năm 2023 tăng mạnh. Nhìn vào 2 nguyên nhân này, trả lời cho câu hỏi trên càng rõ ràng hơn.

Nói thêm về thị trường thương mại điện tử, những năm gần đây thị trường này đang có tốc độ tăng trưởng đáng kể, nhưng nó cũng là nơi “nảy nòi” rất nhiều cá nhân, DN kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính.

Trở lại với chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, ông này cho rằng số DN thành lập mới tăng kỷ lục thể hiện sức sống của DN Việt Nam rất mạnh mẽ, nhưng có lẽ chưa hẳn như vậy.

Thống kê cho thấy năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn DN rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12-2023 cả nước có 14.355 DN rút lui, tăng hơn 26% so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023, con số này là 172.500 DN, tăng 20,5% so với 2022. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Được biết trong số DN rút lui khỏi thị trường năm 2023, không ít là các DN sản xuất, thậm chí là những DN có mặt trên thị trường từ khá lâu, đã khiến nhiều lao động bị mất việc. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế trong năm 2023, đang thể hiện sự “hụt hơi".

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Trong đó, có 2/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, nếu sức sống của DN Việt năm 2023 thực sự mạnh mẽ, vốn phải được hấp thụ vào sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế những cụm từ ngân hàng “ế” vốn lại chưa khi nào nhiều đến như vậy.

Nhiều ngân hàng liên tục hạ lãi suất nhưng DN lại có vẻ thờ ơ. Phần vì đầu ra không có (cả nội địa lẫn xuất khẩu) nên DN không mặn mà, nhưng cũng có phần vì sức khỏe DN quá yếu, bơm vốn cũng khó cứu. Từng có DN phát biểu chua chát: Cứu thì phải cứu sớm chứ để sắp chết có ngậm sâm cũng không thể khỏe lại…

Đã đến lúc chúng ta phải thôi mừng rỡ vì các con số, thôi lấy số lượng để át đi chất lượng thực sự. Sản xuất, tiêu dùng mới là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần nhiều hơn những DN sản xuất có sức khỏe tốt, như vậy mới tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang đến thu nhập cao cho người lao động, từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Và để có được điều này năm 2024 vẫn cần duy trì nhiều chính sách hỗ trợ DN.

Các tin khác