Cắt giảm phí
Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để duy trì sản xuất, hạn chế mọi đứt gãy, nhưng rất có thể sẽ nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn do chi phí hoạt động tăng cao... Và, hiện nay cũng đang có khá nhiều quan điểm về việc nên hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, có nên tiếp tục cách làm như năm 2020, với các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ áp dụng trên diện rộng hay chuyển hướng, xác định các đối tượng ưu tiên mới, biện pháp mới.
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét ban hành chỉ thị tạm thời dừng ban hành các quy định có thể làm gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện nhanh việc rà soát các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời.
Đơn cử như kiến nghị của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển ở TPHCM, áp dụng đối với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu... đang tạo nhiều bất hợp lý.
Việc cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp vừa là giải pháp lâu dài lại vừa phải được làm thường xuyên. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng là nơi đầu mối của nhiều hoạt động rà soát, đánh giá và đề xuất cắt giảm các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, quy trình đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, việc này vẫn chưa thực sự được thực hiện một cách thực chất.
Mới đây, Thủ tướng đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, phát hiện các quy định làm khó doanh nghiệp và đề xuất phương án thay đổi. Nhiệm vụ này cần được thực hiện quyết liệt và nghiêm túc.
Lúc này, doanh nghiệp cần tiết giảm mọi chi phí không cần thiết để thực hiện các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch cơ cấu lại hoạt động và thậm trí để cần cự, duy trì hoạt động... Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư (cả công và tư), nếu có vướng mắc thì cần nhanh chóng tháo gỡ, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ.
Về điểm này, nỗ lực Chính phủ về những quyết sách, về xã hội hóa nguồn tài chính về vaccine, đa dạng hóa đối tượng là doanh nghiệp tự mua và tiêm vaccine cho mình được xem là giải pháp đúng đắn. Quan trọng nhất là cần hoàn thiện sớm cơ chế này để các doanh nghiệp có thể thực hiện ngay.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương và đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong việc phát triển thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ các hộ gia đình đưa sản phẩm lên bán tại các sàn giao dịch điện tử. Giải pháp này vừa ngắn hạn, vừa dài hạn ngay, vì cả khi không còn dịch Covid-19 thì thương mại điện tử cũng là một xu thế.
Việt Nam không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như: tạm hoãn, chậm nộp thuế, các doanh nghiệp mong muốn có các gói mới, được tính đến một cách bài bản hơn. Cụ thể, Việt Nam cần phải xây dựng các kịch bản và phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách.
Có 92% doanh nghiệp tư nhân, 96% doanh nghiệp FDI đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19 bằng nhiều giải pháp, như dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới, áp dụng tự động hóa…