Cần giải pháp thích hợp trong điều hành lúa gạo

(ĐTTCO) - Theo các phân tích, dự báo, cán cân cung - cầu gạo thế giới đang nghiêng về mức thiếu hụt sau 14 năm kể từ mùa vụ 2006-2007. Nguy cơ mất an ninh lương thực đang quay trở lại trên phạm vi toàn cầu.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Việt Nam, với vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, nên tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu gạo hay hạn chế để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia?

Chọn lựa nào?

Xuất khẩu gạo đang là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước. Theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất tính từ năm 2009.

Giá gạo Việt xuất khẩu cũng vượt qua Thái Lan và đang đứng đầu thế giới. Theo đó, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 79USD/tấn và 80USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 106USD/tấn và 140USD/tấn.

Tuy nhiên, khi thị trường lúa gạo toàn cầu có nhiều biến động, đã xuất hiện 2 nhóm ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng nguồn cung lương thực khan hiếm, bất ổn, giá gạo tăng cao, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cần hạn chế xuất khẩu gạo. Còn có ý kiến đề xuất Chính phủ áp giá trần để kiềm chế giá lương thực tăng cao.

Ngược lại, nhiều người cho rằng nên tận dụng thời cơ tăng cường xuất khẩu gạo sẽ có lợi cho nông dân và thương nhân xuất khẩu. Dư địa tăng trưởng xuất khẩu gạo còn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, El Nino xuất hiện nửa cuối năm 2023, cảnh báo nhiều kỷ lục về nhiệt độ tăng, hạn hán, mất mùa, nhiều quốc gia dùng gạo có xu hướng dự trữ, tăng mua trong năm 2024.

An toàn gạo ăn, gia tăng xuất khẩu

Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tầm chiến lược. Nhưng lúa gạo cũng là một ngành kinh tế chiến lược, liên quan sinh kế hàng chục triệu nông dân; là nguồn cung nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ liên quan.

Vì vậy, mọi quyết định điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo trong nước và thu nhập trực tiếp của nông dân. Câu trả lời phải xuất phát từ tình hình thực tiễn, số liệu xác thực, phải là kết quả chắc chắn từ lời giải bài toán cung - cầu lúa gạo.

Trước hết, cần theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo toàn cầu, dự báo cung - cầu lúa gạo thế giới, đảm bảo cân đối cung - cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu gạo. Trong đó, ưu tiên cho các giải pháp điều hành trước mắt để tận dụng thời cơ thị trường, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu gạo theo hướng khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu.

Cùng với đó, động viên, khuyến khích các thương nhân liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo..., tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Giải pháp nữa là nghiên cứu xây dựng bộ dữ liệu cho sản xuất lúa, đầu tiên là ở vùng trọng điểm lúa gạo ĐBSCL để đảm bảo thông tin, dữ liệu cung - cầu lúa gạo. Khi giá lúa gạo trong nước lên cao, ảnh hưởng đến đa số người có thu nhập thấp, có thể xem xét “kích hoạt” cơ chế bình ổn giá gạo thị trường nội địa, hỗ trợ người tiêu dùng yếu thế, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho người sản xuất lúa, thương nhân xuất khẩu gạo. Cơ quan chức năng quản lý thị trường, giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu tiêu thụ nội địa.

Lúa gạo Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, nếu chúng ta có chiến lược khôn ngoan trước các đối thủ cạnh tranh. Về mặt sinh thái, môi trường, kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật canh tác, Việt Nam vẫn đang nắm giữ lợi thế. Việc chúng ta cần làm lúc này là sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, thương hiệu hóa sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Vấn đề lưu ý, tăng trưởng xuất khẩu gạo hiện nay cần được xem là tín hiệu thị trường, không phải chỉ để định vị thị trường xuất khẩu gạo, mà cần định vị và chuyển đổi ngành hàng lúa gạo theo hướng phát triển bền vững. Yêu cầu sắp tới phải tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Đặc biệt, việc tận dụng giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng cũng cần hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào mới mong tăng lợi nhuận từ ngành trồng lúa, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Bên cạnh mục tiêu giải quyết đầu ra cho hạt lúa và hỗ trợ nông dân, điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế thực thi, giải bài toán chi phí và lợi ích, thích ứng với các thay đổi của thị trường, nhất là đảm bảo lợi ích thực sự cho đối tượng thụ hưởng là nông dân, khu vực lao động nông thôn.

Sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số (digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy) không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng thời gian gần đây. Nhưng “lúa gạo digital” cần các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.

Gạo Việt rất cần trợ lực và sức bật mới từ các ngành công nghiệp sau gạo có giá trị gia tăng, như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản… bằng công nghệ đầu tư, chế biến sâu và cuộc chuyển đổi số toàn diện cho ngành hàng lúa gạo.

Mọi quyết định điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo trong nước và thu nhập trực tiếp của nông dân. Vì thế, các giải pháp trong điều hành phải thích hợp với tình hình thực tiễn cung - cầu lúa gạo.

Các tin khác