Cần giúp ngư dân bám biển

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung pháp lý và hợp tác với bên ngoài, với các nước láng giềng nhằm giúp ngư dân ra khơi bám biển, như xây dựng hiệp định về nghề cá.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung pháp lý và hợp tác với bên ngoài, với các nước láng giềng nhằm giúp ngư dân ra khơi bám biển, như xây dựng hiệp định về nghề cá.

Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Biển Việt Nam, trong đó xác định rõ vùng biển, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đó là khung pháp lý để ngư dân đánh cá hợp pháp. Đồng thời là khung pháp lý để đấu tranh ngăn ngừa hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nâng cao ý thức ngư dân về pháp luật, để ngư dân khi đánh cá biết đâu là biển nước ta, đâu là vùng biển của nước khác khi đã được phân định rõ để không vi phạm vùng biển nước khác.

Khi ngư dân gặp sự cố trên biển, yêu cầu các cơ quan sở tại của các nước tham gia cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân vào tránh bão cũng nằm trong công tác bảo hộ ngư dân.

Theo đánh giá của Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, sản lượng cá ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là dồi dào và ổn định nhất hiện nay, ngư dân Việt Nam thường xuyên khai thác ở Hoàng Sa và Trường Sa với sản lượng cá khá lớn.

Khả năng khai thác cá của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa là rất tốt, nhiều ngư dân Việt Nam chủ yếu sống bằng nghề cá. Bình quân thu nhập của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa đạt 50-70 triệu đồng cho 1 chuyến đi 30 ngày. Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng những hành động vừa qua của phía Trung Quốc như thành lập TP Tam Sa, đưa 30 tàu cá ra đánh bắt ở vùng biển Trường Sa là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây khó khăn nhất định cho ngư dân Việt Nam.

Để bảo vệ ngư dân đánh bắt xa bờ, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng dứt khoát yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động trên và có biện pháp hữu hiệu, kịp thời bảo vệ ngư dân. Trước đây, ngư dân Việt Nam thường đánh bắt riêng lẻ, nhưng hiện nay, ngư dân đã đánh bắt theo hình thức đội đánh bắt, nhóm đánh bắt, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt.

Các tàu cá được trang bị các thiết bị cứu hộ, cứu nạn hiện đại, thông tin liên lạc... Để khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, các cơ quan chức năng cần phải có một chuỗi chính sách, nhất là quy trình chế biến, hậu cần, đầu ra, không chỉ trang bị tàu thuyền lớn, hiện đại là được. Chúng ta cần phải quan tâm mạnh tới cơ sở hậu cần dịch vụ, từ điện nước, chế biến, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, thị trường, chế biến sau đánh bắt.

Một giải pháp thiết thực hiện nay để hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển được Tổng cục Thủy sản đề xuất là thành lập lực lượng kiểm ngư. Kiểm ngư là lực lượng dân sự, được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị và sẽ hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam để hỗ trợ ngư dân bám biển, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.

Trong bối cảnh ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt giữ khi đang khai thác, đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, lực lượng kiểm ngư ra đời, có mặt trên biển giúp ngư dân yên tâm bám biển, sản xuất.

Các tin khác