Tại talk-show “Du lịch nông nghiệp - sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế” do Sở Du lịch, Sở NN-PTNT, Viện nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp cùng với Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có khung pháp lý rõ ràng hơn cho phát triển du lịch.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp, Việt Nam cần xem du lịch nông nghiệp là một ngành được kết hợp bởi 2 lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Nếu kết hợp, áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào các vùng nông thôn thì giá trị cho những vùng nông thôn sẽ gia tăng.
Thêm vào đó, những tiềm năng của Việt Nam về phát triển du lịch nông nghiệp như là rất lớn như về khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái…, đây là nội lực mạnh mẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về du lịch nông nghiệp.
Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, song đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay khung pháp lý dành cho loại hình này vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến ngành du lịch nông nghiệp chưa thể bứt phá.
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, do mô hình du lịch nông nghiệp đang chưa có khung pháp lý rõ ràng khiến việc đầu tư còn nhiều khó khăn, mơ hồ. “Rất mong các doanh nghiệp chia sẻ các khó khăn để đồng hành cùng chính quyền để tháo gỡ khó khăn, qua đó phát triển mô hình du lịch nông nghiệp”, ông Cường nói.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất rằng cơ quan chức năng cần đưa ra các chính sách về mô hình thí điểm dạng “sandbox”, chọn một số mô hình nổi bật, có hiệu quả để hỗ trợ thúc đẩy phát triển, qua đó sẽ có những đánh giá tổng thể và đề ra khung pháp lý phù hợp cho mô hình du lịch nông nghiệp. Gần đây nhất, ngày 18-5, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP 2023 về nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển du lịch.
Một trong những "điểm nghẽn" mà Nghị quyết 82 xác định cần phải tháo gỡ để cho du lịch phát triển đó là hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá, cùng với đó là chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực.