(ĐTTCO) - Những ngày giáp Tết, những người chuyên bán hàng xách tay từ trên mạng đến ngoài các cửa hàng đang chuyển qua buôn bán rất nhiều mặt hàng ngoại phục vụ Tết Nguyên đán. Từ kẹo, bánh, nước ép trái cây, trái cây sấy rượu đủ loại đến các loại hạt như hạnh nhân, hạt dẻ… tất cả đều là hàng “tuyển” từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản… để phục vụ người tiêu dùng.
Thực ra không phải riêng năm nay mà đã vài năm trở lại đây người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập trung bình cao, khá chuộng những sản phẩm này mỗi khi Tết đến. Không chỉ hàng xách tay mà vào những cửa hàng, siêu thị những ngày này các sản phẩm bánh, kẹo của nước ngoài cũng được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng xách tay nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam đều theo con đường tiểu ngạch. Vì vậy, giá cả vẫn do các chủ cửa hàng định giá. Các sản phẩm này cũng tăng giảm theo thị trường và càng gần Tết giá cả các sản phẩm này thường được đẩy lên khá cao. Nếu khách hàng thắc mắc, đa số các chủ cửa hàng đều giải thích giá cao là do phí vận chuyển cận Tết đội lên.
Thực chất không phải sản phẩm xách tay nào chất lượng cũng tốt bởi ở nước ngoài họ cũng có nhà sản xuất nhỏ lẻ và cũng có nhà sản xuất lớn có thương hiệu. Ngoài ra, giá cả, chất lượng của sản phẩm xách tay hiện cũng khó kiểm soát do các sản phẩm này đa số nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, người tiêu dùng khó đòi hỏi các chủ cửa hàng, nhà sản xuất bồi thường, bởi vì mua bán qua mạng, mua bán hàng xách tay.
Để không mua phải hàng xách tay kém chất lượng giá cao, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua. Hiện nay, các sản phẩm do DN trong nước sản xuất cũng có chất lượng khá tốt, nhiều DN còn xuất khẩu hàng hóa đi các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... Về lâu dài, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt các mặt hàng xách tay bằng thuế phí, luật giá cả... để bảo vệ DN và người tiêu dùng trong nước. Bởi nhu cầu mua sắm hàng xách tay cao sẽ khiến các sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của các sản phẩm trong nước cùng loại, đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường hàng hóa trong nước. Về phần mình, DN nội cũng phải nỗ lực rất nhiều trước làn sóng ồ ạt của hàng ngoại. Theo đó, cần có những bước đột phá về chất lượng, bao bì sản phẩm. Có vậy người tiêu dùng mới yên tâm chọn mua hàng Việt.