Báo SGGP vừa đăng tải loạt bài viết “Tranh chấp chung cư không hồi kết”, phản ánh tình trạng tranh chấp chung cư trên địa bàn TPHCM vẫn tiếp tục căng thẳng. Các vấn đề nổi cộm là: người dân chậm nhận được giấy chủ quyền do tòa nhà đã trở thành nợ xấu của ngân hàng; nhiều chung cư vẫn đang tranh chấp phí bảo trì, tranh chấp diện tích chung riêng… Vì sao những tranh chấp này kéo dài nhiều năm không thể giải quyết dứt điểm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Luật Nhà ở đã được sửa đổi, các nghị định, thông tư mới liên tục được ban hành, vậy tại sao các vụ việc tranh chấp chung cư vẫn không được xử lý dứt điểm? Theo ông, nguyên nhân là do chính quyền địa phương không xử lý đúng mức hay vì luật chưa đầy đủ?
Ông NGUYỄN MẠNH KHỞI: Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.500 nhà chung cư. Trong đó, hơn 90% nhà chung cư đang được quản lý, vận hành ổn định, không có phát sinh các tranh chấp, khiếu nại. Như vậy vẫn còn khoảng 10% nhà chung cư có một số tồn tại hạn chế mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng nhận thấy, nguyên nhân thứ nhất là do một số quy định pháp luật liên quan chưa cụ thể, hoặc chưa có, hoặc chưa phù hợp thực tế, như: cách tính diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, quy định về hình thức họp hội nghị nhà chung cư lần đầu...
Nguyên nhân tiếp theo là một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phòng cháy chữa cháy và các pháp luật khác có liên quan. Một số chủ đầu tư cũng chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án.
Có những hợp đồng mua bán căn hộ chung cư do chủ đầu tư lập chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, thường có một số điều khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, ít chú ý đến quyền lợi của người mua.
Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến một nguyên nhân quan trọng là, một số cơ quan quản lý xây dựng và chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
-Có dư luận cho rằng, vì chủ đầu tư dự án nhà ở “có mối quan hệ” với cơ quan công quyền nên những nguyên nhân đến từ chủ đầu tư không được xử lý nghiêm minh, dẫn đến bức xúc kéo dài trong cư dân. Bộ Xây dựng nhận định như thế nào về vấn đề này?
-Việc xử lý các bất cập trong quản lý nhà chung cư đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Bộ TN-MT và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, đánh giá, kiến nghị những bất cập, vướng mắc của pháp luật về đất đai liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bộ Xây dựng có trách nhiệm tham mưu và ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Mới đây nhất, tại Chỉ thị số 02/CT-BXD vừa được ban hành, Bộ Xây dựng đã chỉ rõ các sai phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn xử lý nghiêm đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt vấn đề này nhưng cũng còn có địa phương chưa quan tâm tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nên các tranh chấp chưa được giải quyết dứt điểm.
-Nhưng rõ ràng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Bộ xây dựng cũng phải có trách nhiệm trong việc xử lý những vấn đề bất ổn kéo dài tại các chung cư?
-Gần đây, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư và hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý hoàn chỉnh để xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư. Do đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và đề nghị đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 của Quốc hội.
Bộ Xây dựng sẽ có những đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là sẽ có ràng buộc cụ thể hơn về điều kiện, năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, của thành viên ban quản trị; điều kiện, năng lực của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; mô hình quản lý nhà chung cư…
Bộ cũng sẽ nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm về quản lý, sử dụng nhà chung cư của các nước phát triển mà phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đưa vào Luật Nhà ở và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.