Dù vậy, theo các chuyên gia phải nhiều năm nữa mới thực hiện được yêu cầu này, vì nhiều DN vẫn đang có nhu cầu vay ngoại tệ. Trước mắt có thể siết lại đối tượng vay, đưa vốn ngoại tệ đến đúng địa chỉ để giảm thiểu rủi ro.
Chờ quy định mới
Theo Thông tư 31/2017 về cho vay bằng ngoại tệ, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đối với khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 31-12-2017. Như vậy, chỉ còn chưa đến 2 tháng thông tư này sẽ hết hiệu lực.
Vấn đề cho vay ngoại tệ chưa chấm dứt ngay được mà phải tiếp tục một thời gian nữa để cung ứng vốn cho những DN có nguồn thu ngoại tệ. Trong quá trình đó, khuyến khích DN dần tiến đến vay VNĐ và bán ngoại tệ mua VNĐ. TS. Trần Du Lịch,thành viên Hội đồng Tư vấnchính sách tiền tệ Quốc gia |
Hiện NHNN vẫn chưa có thông báo mới về vấn đề này. Vì thế, vấn đề có tiếp tục cho vay ngoại tệ hay không lại nóng lên trong cộng đồng DN. Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nông sản cho biết DN vẫn kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục gia hạn vay ngoại tệ vì đây là kênh vốn rẻ.
Năm 2016, thời điểm NHNN ngừng cho vay ngoại tệ, với nhu cầu vốn khoảng 8 triệu USD/tháng, công ty đã chuyển sang vay VNĐ với lãi suất 6-8%/năm, đẩy chi phí lãi lên 2,4 tỷ đồng, trong khi vay USD với lãi suất 3%/năm tiền lãi chỉ 800 triệu đồng. Đó cũng là lý do các DN có nguồn thu ngoại tệ thường tìm kiếm các khoản vay ngoại tệ để giảm chi phí tài chính. Hiện lãi suất USD trên thị trường liên NH cũng ở mức thấp 1,24-2,36%/năm, huy động ngoại tệ cũng đã tăng 4,3% trong 9 tháng dù lãi suất huy động USD bằng 0%/năm, tức là thanh khoản USD vẫn được đảm bảo, vì vậy các DN mong muốn NHNN sẽ nối dài kênh vốn này trong năm tới.
Thực tế, việc siết cho vay ngoại tệ xuất phát từ năm 2010, khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đạt 29,81%, trong đó tín dụng VNĐ tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%, nên các chuyên gia đã khuyến cáo về rủi ro tiềm ẩn của tín dụng ngoại tệ đối với tỷ giá và tình trạng đô la hóa.
Tính từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 2 lần đóng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu. Từ năm 2010 đến nay chính sách cho vay ngoại tệ không được cố định, mỗi năm NHNN đều ban hành thông tư quy định cụ thể. Dù luôn nới thời hạn cho vay, nhưng sự tạm thời của quy định cho vay ngoại tệ đã khiến DN không thể biết được quyết định của NHNN cho năm tiếp theo.
Gần đây, NHNN đã đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, do trước đây nền kinh tế tăng trưởng thấp, tổng cầu thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng có nguồn thu ngoại tệ được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại thành VNĐ mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lấy ngoại tệ trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao, nên trong lộ trình chống đô la hóa cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán.
Đồng thời, 9 tháng năm 2017, tín dụng ngoại tệ đã tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016, chiếm 8,4% tổng tín dụng, nên đã có một số cảnh báo về mức tăng tín dụng ngoại tệ mới được đưa ra. Vì vậy, thời điểm này, các DN đang nôn nóng trông chờ thông tin từ NHNN về vấn đề tín dụng ngoại tệ.
DN có nguồn thu ngoại tệ rất cần vay ngoại tệ để giảm chi phí.
Chưa thể “đóng cửa” ngay được
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt đến mức kỷ lục 45 tỷ USD. Đây là cơ sở để NHNN chủ động trong cân đối nhu cầu mua bán ngoại tệ của các DN trong và ngoài nước, đồng thời chủ động can thiệp tỷ giá nếu có biến động. Vì vậy, DN yên tâm không phải lo lắng việc mua ngoại tệ.
Dù vậy, trước tình hình nhiều DN không cần ngoại tệ vẫn được vay, nên NHNN sẽ siết lại theo hướng chuyển dần mục tiêu từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, muốn chặn hẳn phải có các điều kiện như nền kinh tế ổn định, tỷ giá ổn định, khi làm chủ được vấn đề ngoại tệ kể cả DN được ưu tiên cũng không cần thiết vay ngoại tệ.
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, chính sách cho vay ngoại tệ cho năm tiếp theo thường được NHNN công bố vào cuối năm tài khóa. Nhưng do chúng ta đang thực hiện quá trình chống đô la hóa, nên NHNN và các bộ ngành luôn phải rà soát lộ trình, chính sách chống đô la hóa để đưa ra quyết định. Nhìn góc độ NH, NHNN chỉ siết đối tượng vay ngoại tệ thay vì cấm hẳn để các DN có nhu cầu vốn chính đáng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay một số ý kiến cho rằng có cần thiết phải đặt vấn đề chấm dứt cho vay ngoại tệ để duy nhất VNĐ trong tín dụng hay không. Bởi lẽ, muốn làm được điều này, đòi hỏi phải tạo được niềm tin đối với VNĐ và thực hiện khéo để tránh gây tác dụng ngược.
Nếu cấm cho vay ngoại tệ sẽ đẩy cầu tín dụng VNĐ tăng lên. Thực tế thời gian qua tín dụng ngoại tệ đã chia sẻ bớt áp lực nên mới giảm được lãi suất cho vay VNĐ. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ không những không thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất, mà còn đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao, gây ảnh hưởng đến DN.