Cần triệt để cải cách tiền lương

Theo Nghị định 31 vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1-5  mức lương tối thiểu chung sẽ tăng lên 1,05 triệu đồng/tháng thay vì mức 830.000 đồng/tháng đang áp dụng. Lương tăng nhưng có điều lạ là những người hưởng lương lại không mấy hào hứng với thông tin này.

Theo Nghị định 31 vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1-5  mức lương tối thiểu chung sẽ tăng lên 1,05 triệu đồng/tháng thay vì mức 830.000 đồng/tháng đang áp dụng. Lương tăng nhưng có điều lạ là những người hưởng lương lại không mấy hào hứng với thông tin này.

Nguyên nhân ai cũng biết: dù có tăng nhưng lương vẫn không đủ bù đắp chi phí cho mức sống tối thiểu của người lao động. Ngoài ra, cứ nghe tăng lương lại lo tăng giá và nghịch lý này đã tồn tại từ lâu cùng những bất cập trong cơ chế tiền lương.

Tại diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nếu tăng lương tối thiểu thêm 50.000 đồng/người, cả năm sẽ cần thêm 11.000 tỷ đồng, nghĩa là với đợt tăng lương tới đây, ngân sách sẽ phải chi thêm trên 40.000 tỷ đồng/năm.

Hiện cả nước có 6 triệu người hưởng lương ngân sách, trong đó có 1,7 triệu cán bộ công chức. Mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 200.000 tỷ đồng để trả lương. Đây là gánh nặng rất lớn lên ngân sách quốc gia, khiến việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm rất khó khăn.

Vấn đề đặt ra là quy mô tiền lương tăng nhanh nhưng đời sống của cán bộ công chức vẫn chưa được cải thiện. Trong giai đoạn 2001-2010, lương tối thiểu đã tăng 7 lần, bình quân tăng 20%/năm. Thế nhưng, cán bộ công chức và người lao động vẫn không thể sống bằng lương.

Theo nhiều khảo sát của các cơ quan khoa học, thu nhập từ tiền lương chỉ đảm bảo 30-40% nhu cầu của cán bộ công chức và mức tăng lương trong khu vực doanh nghiệp chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Nghịch lý này, theo các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế, nằm trong hệ thống lương và hệ thống nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp, tiền lương không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền...) và không có giới hạn, không minh bạch, không kiểm soát được.

Trong phần thu nhập ngoài lương có thể có phần chính đáng, song chủ yếu là không chính đáng do lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ (từ biếu xén, cơ chế xin - cho, cơ chế ăn chia...). Hiện tượng “thu nhập phụ” trở thành nguồn sống chính của người ăn lương đang làm méo mó các quan hệ tiền lương - tài chính và các quan hệ xã hội, cũng như làm nảy sinh những nhân tố gây ra những tiêu cực và bức xúc xã hội.

Vấn đề cải cách tiền lương đã được đặt ra từ năm 1993, nhưng gần 20 năm qua những cải cách trong lĩnh vực này không mang lại nhiều thay đổi. Trong nhiều kỳ họp Quốc hội, khi bàn về tiền lương, các nhà hoạch định chính sách thường đưa ra lý do về gánh nặng ngân sách hay năng suất lao động thấp nên không thể tăng lương cao hơn.

Đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Người lao động chưa yêu cầu tăng lương mà đề nghị trả đủ mức lương phù hợp giá trị sức lao động. Chính tư duy xơ cứng, bảo thủ trong hoạch định chính sách tiền lương kéo dài hàng thập niên qua là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tiền lương như hiện nay. Vì vậy, vấn đề trước tiên là cần đổi mới tư duy trong việc cải cách chính sách và hệ thống tiền lương.

Sở dĩ lương không đủ sống ngoài lý do hạn chế nguồn lực tài chính, việc sử dụng và phân bổ nguồn chưa hợp lý mới là nguyên nhân cốt lõi. Theo đó, cần cơ cấu lại ngân sách nhà nước thích hợp để trả lương công chức, đồng thời đa dạng hóa nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương.

Các tin khác