Gần đây, giá vàng lập kỷ lục cao nhất trong vòng 9 năm qua. Tại TP HCM, 15h chiều 9/7, giá vàng SJC bán ra 50,65 triệu đồng/lượng, tăng hơn 300.000 đồng/lượng so với ngày 8/7.
Mức chênh lệch giá mua vào và bán ra là 400.000 đồng/lượng. Tuy giá vàng tăng nóng nhưng trong mấy ngày nay ở TP HCM không có tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Theo một số chuyên gia, giá vàng có thể tăng trong trung, dài hạn nên người dân không nên đầu tư vàng “lướt sóng”.
Ngày 9/7, tại các cửa vàng bạc đá quý và vàng miếng ở đường Lê Thánh Tôn, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 lượng khách giao dịch không đông. Qua tìm hiểu của phóng viên, lượng khách mua vàng nhiều hơn khách bán ra.
Theo một số chuyên gia, về trung hạn giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng lan rộng và điều quan trọng là hiện đang có một dòng tiền lớn đang đổ vào vàng, đó là các ngân hàng trung ương, các định chế tài chính và các nhà đầu tư. Nhiều ngân hàng trung ương của một số nước cho biết là trong 5 năm tới họ không có ý định bán vàng ra. Tất cả những yếu tố đó đang là trợ lực rất lớn cho vàng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Nhưng các nhà đầu tư phải luôn nhớ rằng, đó là những nhận định ở trung và dài hạn. Còn ở đầu tư ngắn hạn, việc "lướt sóng" mua vào- bán ra kiếm lời là rất rủi ro.
Vì thực tế, bình thường giá mua vào- bán ra chênh lệch chỉ vài trăm ngàn đồng/lượng, nhưng lúc biến động thì mức chênh lệch này có thể lên đến vài triệu đồng/lượng. Từ đó, người đầu tư nhỏ, đầu tư "lướt sóng" không thể chốt lời kịp.
Cùng với đó, giá USD cũng có thể biến động trong ngắn hạn nên giá vàng cũng biến động theo mà nhà đầu tư khó có thể lường trước được.
"Tỷ giá USD của Việt Nam hiện nay ổn định trong nhiều năm qua, nhưng không có nghĩa là trong ngắn hạn không có biến động, điều này sẽ gây tổn hại cho nhà đầu tư ngắn hạn. Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thì có thể sẽ làm độ giãn giá của 2 khu vực này gia tăng sẽ làm rủi ro cho nhà đầu tư ngắn hạn” - ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Thực tế những ngày này, người bán vàng chủ yếu là cần tiền mặt hoặc một số nhà đầu tư chốt lời, vì trước đó mua được giá hơn 40 triệu đồng/lượng. Còn khách mua vàng là nhà đầu tư hoặc người dân thấy giá vàng tăng cao, lãi suất ngân hàng không hấp dẫn nên chuyển sang mua vàng.
Bà Hồ Thị Phúc nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 rút tiền gửi tiết kiệm mua gần 6 lượng vàng tại Trung tâm kinh doanh vàng miếng SJC ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 cho biết: "Tôi có một ít tiền, trước đây gửi ngân hàng nhưng giờ thấy vàng lên cao nên rút tiền mua. Tôi cũng không có mua bán gì vàng mà để làm của khi nào cần tiền thì bán ra có giá trị hơn".
Khách hàng giao dịch tại Trung tâm kinh doanh vàng của SJC tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q3 sáng 9/7. |
Còn anh Nguyễn Văn Đạt đang cần tiền nên bán 5 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, anh Đạt cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi để đầu tư vàng trong thời gian tới vì theo anh giá vàng sẽ còn tăng.
"Tôi mua vàng trước đây khoảng 2 tháng, giờ bán chốt lời. Theo tôi thì giá vàng vẫn tiếp tục tục tăng, hiện nay vẫn giữ một số vàng và quan sát tiếp, tùy tình hình thời gian tới thì mình có thể mua vàng vào hay bán vàng ra" - anh Đạt chia sẻ.
Lúc kinh tế khó khăn, vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, với thời điểm hiện nay nếu ai muốn đầu tư “lướt sóng” thì cũng nên cân nhắc, nên nghĩ đến chuyện đầu tư dài hạn sẽ an toàn hơn.