Gánh nhiều loại phí (phí thường niên, phí duy trì, phí bảo dưỡng, phí SMS…)… nhưng khi sử dụng dịch vụ thẻ còn phải đối mặt với rủi ro khiến người dùng bức xúc. Làm thế nào hạn chế được rủi ro trong thanh toán qua thẻ, nhất là dịp cao điểm Tết khi nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng luôn tăng cao?
Thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng đang là một xu hướng chung vì những tiện ích mang lại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khách hàng bị mất tiền trong thẻ tín dụng do bị đánh cắp thông tin trên thẻ đã chứng minh cho việc rủi ro đối với chủ thẻ không hề ít. Bởi việc thanh toán bằng thẻ trả trước và thẻ tín dụng hiện nay tại các điểm mua hàng, trung tâm thương mại đều không cần có password.
Phía NH dù thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để giám sát và phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận, hỗ trợ chủ thẻ hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ, nhưng điều đó không có nghĩa việc bảo mật thông tin được đảm bảo mà khách hàng mới chính là người bảo mật thông tin để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ. Vì thế, để an toàn tuyệt đối khi giao dịch, theo một lãnh đạo ngành NH, các chủ thẻ nên chú ý nhân viên thu ngân xem liệu thẻ của mình có được quẹt qua một thiết bị điện tử nào khác bất thường không, hoặc tại máy chấp nhận thẻ có gắn thêm một loại thiết bị lạ nào.
Đại diện DongA Bank đưa ra khuyến nghị, khách hàng phải thường xuyên kiểm tra lại sự tồn tại của tấm thẻ sau mỗi lần sử dụng hoặc một thời gian dài không sử dụng, để có thể phát hiện ngay khi thẻ bị thất lạc và thông báo kịp thời đến NH để khóa thẻ.
Đặc biệt, khi sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng, ăn uống, khách sạn… chủ thẻ nên chứng kiến việc nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ quẹt thẻ, không nên giao thẻ cho nhân viên thu ngân, phục vụ tự đi đến nơi đặt POS để quẹt thẻ.
Còn khi có nhu cầu giao dịch mua hàng trên mạng, chủ thẻ cần chọn những website uy tín. Một điểm đáng chú ý là khách hàng không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV-3 số cuối của thẻ) để tránh rủi ro thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng (3 chữ số nhỏ in nghiêng, nằm ở mặt sau của thẻ, bên cạnh dải chữ ký và dưới dải từ).
Còn theo NHNN, giải pháp bảo mật trong giao dịch của NH là một nhóm các giải pháp tích hợp như: sử dụng giao thức mã hóa (SSL), hạ tầng khóa công khai (PKI), thiết bị sinh khóa theo từng lần giao dịch (OTP)… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên internet, NHNN đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến đúng quy định của NH về việc quản lý, thay đổi mã khóa giao dịch khi có nghi ngờ về việc bị đánh cắp thông tin và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình và phản hồi ngay cho NH đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện.
Thực tế, công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò quan trọng trong hoạt động NH, hầu như toàn bộ các nghiệp vụ NH phải được tin học hóa ở mức cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ, cung cấp các dịch vụ NH tiên tiến cho khách hàng (internet banking, mobile banking, SMS banking, các dịch vụ thẻ,...). Nhưng cũng với đặc điểm trên, ngành NH thực sự phải đối mặt với các thách thức về an ninh CNTT, nhất là đối với các dịch vụ thanh toán qua internet.
Thanh toán mua hàng bằng thẻ tại siêu thị. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Cùng với việc gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, các NHTM đã không ngừng cải tiến cơ sở hạ tầng thanh toán. Trên thực tế, tất cả NH đều hiểu rằng, việc đầu tư vào hệ thống thẻ là hết sức tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian nên cũng không kỳ vọng việc đầu tư vào thẻ sẽ sớm mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, khi đã có được một lượng khách hàng sử dụng thẻ ổn định được xem là tài sản quý của NH.
Qua báo cáo tài chính của các NHTM cũng cho thấy, nguồn thu từ dịch vụ thẻ đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận. Đó cũng chính là động lực để các NH chạy đua phát hành, giành thị phần khách hàng sử dụng thẻ. Theo dự thảo thông tư về hoạt động thẻ NH lấy ý kiến đóng góp vừa được NHNN đưa ra, có thể cấp thẻ NH cho người từ 11 tuổi vào đầu năm 2015.
Người được cấp thẻ phải được người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật chấp thuận bằng văn bản. Việc mở rộng đối tượng phát hành thẻ được xem là cơ hội để các NH gia tăng thị phần thẻ. Mới đây, NHNN cũng đưa ra dự thảo thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản. Như vậy, năm 2015 khách hàng sử dụng thẻ có thể phải gánh thêm nhiều loại phí.
Theo quy định tại Thông tư 36, kể từ ngày 1-1-2015, NH có quyền tăng mức phí rút tiền nội mạng tới 3.000 đồng/giao dịch. Trên thực tế hiện nay, các NHTM đã thu phí nội mạng nhưng mỗi NH áp dụng một mức khác nhau. Chẳng hạn tại Vietcombank, mức phí rút tiền và chuyển khoản nội mạng 1.100 đồng/lần giao dịch, nhưng ở các NH nhỏ 3.300 đồng/lần giao dịch hoặc cao hơn, đó là chưa kể chủ thẻ phải gánh thêm chục loại phí khác như: phí thường niên, phí sao kê, phí in hóa đơn… khiến cho các chủ thẻ chóng mặt.