Hiện nay, TPHCM đang triển khai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường.
“Sở GTVT TPHCM đang cùng Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam để hợp tác phát triển giao thông xanh của TPHCM, đặc biệt là xây dựng hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cho đầu tư trạm sạc đáp ứng các loại xe buýt khác nhau”, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết để đạt được mục tiêu đưa vào vận hành xe buýt điện, TPHCM cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng cung ứng nhiên liệu sạch, nguồn năng lượng cho xe buýt. Điều này đòi hỏi phải ban hành chính sách quản lý và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng hạ tầng trạm sạc.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã giới thiệu tổng quan về trạm sạc ô tô điện, nhu cầu về cơ sở hạ tầng sạc xe điện, nguyên tắc lập quy hoạch trạm sạc. Tuy nhiên, TS Phúc lưu ý vị trí lắp đặt các trạm sạc EV rất quan trọng, phải dễ dàng truy cập và nhìn thấy được nhưng cũng phải tiết kiệm chi phí khi lắp đặt.
Cũng tại đây, TS Trần Trọng Đạt, Trưởng Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, khi xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện cần quan tâm đến các chính sách hiện hành của Việt Nam trên những khía cạnh đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể ở cả hiện tại và tương lai. Đó là các yêu cầu về kỹ thuật và kết nối lưới điện quốc gia, quản lý giám sát và mua bán điện; đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông; yêu cầu phòng cháy chữa cháy; quy định cấp phép xây dựng.