Gần điểm hòa vốn
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2018, MWG ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt với doanh thu đạt 21.807 tỷ đồng (tăng 9,3%) và lợi nhuận sau thuế đạt 732 tỷ đồng (tăng 48,8%). Lũy kế 6 tháng, MWG ghi nhận doanh thu đạt 44.570 tỷ đồng (tăng 42,7%) và lợi nhuận sau thuế đạt 732 tỷ đồng (tăng 48,3%). BCTC của MWG cho thấy các mảng kinh doanh đều tăng trưởng, đặc biệt là mảng BHX.
Cụ thể, chuỗi BHX đạt 1.552 tỷ đồng doanh thu (tăng 286%). Tính đến hết tháng 6, BHX đã có tổng cộng 384 cửa hàng. Một điểm đáng chú ý là doanh thu trung bình/cửa hàng trong tháng 5 và tháng 6 đã tăng mạnh, đạt lần lượt 870 và 910 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Theo tính toán, con số này khá gần với mức hòa vốn là 1 tỷ đồng doanh thu/tháng.
Đây cũng là khoảng thời gian mà MWG thay đổi chiến lược mở cửa hàng, với vị trí ở các trục đường lớn trên đường về nhà, thay vì các trục đường nhỏ trong khu dân cư như trước đây. Chiến lược kinh doanh này đã cải thiện đáng kể doanh thu/cửa hàng, giúp doanh thu trung bình/cửa hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 720 triệu đồng. Biên lợi nhuận gộp của chuỗi BHX trong quý II đã cải thiện tốt, từ 14% trong quý I lên mức 16% và kỳ vọng sẽ đạt mức hòa vốn cuối quý III với doanh thu đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng và EBITDA đạt 18% tại cuối năm 2018.
Dù chưa đóng góp vào lợi nhuận cho MWG, nhưng BHX đang cho thấy những tín hiệu khả quan sau quyết định chuyển hướng kinh doanh ra đường lớn của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, chuỗi BHX ước sẽ có 500 cửa hàng vào cuối năm 2018, doanh thu đạt 4.920 tỷ đồng (tăng 295%).
Những tín hiệu khả quan từ hệ thống BHX cũng đã phần nào tác động tích cực lên giá CP MWG. Sau khi rơi xuống mức đáy 96.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 19-4), MWG đã bật tăng trở lại sau khi doanh nghiệp công bố BCTC quý II. Như vậy, nếu tính từ mức đáy phiên giao dịch ngày 19-4, đến phiên giao dịch ngày hôm qua 120.000 đồng/CP, MWG đã ghi nhận mức tăng 25%. Đặc biệt, nhiều CTCK đưa ra khuyến nghị mua vào MWG với mức giá mục tiêu lên đến 150.000 đồng/CP sau khi doanh nghiệp công bố BCTC quý II.
Chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG đang trên đà phát triển, nhưng để thành công vẫn còn chặng đường dài.
Cần thêm thời gian
Nguyên nhân khiến cho MWG “đánh cược” vào BHX là do kế hoạch mở rộng chuỗi Thế giới di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) gần như đã hoàn tất trong năm 2017 và nửa đầu 2018. Do đó, giai đoạn hiện tại, MWG vẫn phải tiếp tục dồn lực cho chuỗi siêu thị BHX. Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh khá khả quan, nhưng theo thừa nhận của MWG, trong tổng số khoảng 400 cửa hàng BHX, hiện còn 88 cửa hàng đang hoạt động theo mô hình cửa hàng nhỏ, với doanh thu chỉ đạt 600-700 triệu đồng/tháng, còn khá thấp so với mức hòa vốn.
Nguyên nhân khiến cho MWG “đánh cược” vào BHX là do kế hoạch mở rộng chuỗi Thế giới di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) gần như đã hoàn tất trong năm 2017 và nửa đầu 2018. Do đó, giai đoạn hiện tại, MWG vẫn phải tiếp tục dồn lực cho chuỗi siêu thị BHX. Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh khá khả quan, nhưng theo thừa nhận của MWG, trong tổng số khoảng 400 cửa hàng BHX, hiện còn 88 cửa hàng đang hoạt động theo mô hình cửa hàng nhỏ, với doanh thu chỉ đạt 600-700 triệu đồng/tháng, còn khá thấp so với mức hòa vốn.
Định hướng của MWG là sẽ tinh gọn lại, giảm diện tích xuống còn 75-80m2, chỉ thuê 3-4 nhân viên. Trong dài hạn, MWG định hướng chuỗi BHX sẽ chỉ gồm những cửa hàng chuẩn và lớn, những cửa hàng nhỏ nếu cải thiện tốt sẽ được nâng dần lên cửa hàng tiêu chuẩn, nếu không sẽ phải đóng cửa. Các cửa hàng lớn cũng là mục tiêu của BHX, với tỷ lệ khoảng 10-20% tổng số lượng cửa hàng và doanh số mục tiêu tối thiếu sẽ đạt 3 tỷ đồng/tháng. Trong chiến lược này, thực phẩm tươi sống hiện nay chiếm khoảng 35% tổng doanh thu của BHX, với mức tiêu thụ khoảng 170 tấn/ngày.
Thực tế, việc chuyển đổi một số cửa hàng sang mô hình thịt tươi, cá lội và ghi nhận kết quả tích cực. Các cửa hàng thử nghiệm mô hình này mang lại doanh số rất tốt, từ 1,7-2 tỷ đồng (cao hơn 30-70% so với trước khi điều chỉnh). Doanh số bán thực phẩm tươi sống đang chiếm 32% sau khi các cửa hàng chuyển sang mô hình này. MWG kỳ vọng doanh số bán thịt cá tươi sẽ tăng lên mức 50%, do đây là nhóm sản phẩm quan trọng để cạnh tranh với chợ truyền thống và thu hút khách hàng. Lượng khách hàng tăng lên cũng sẽ thúc đẩy doanh số các mặt hàng khác.
Tuy nhiên, MWG hiện mới chỉ vận hành 1 trung tâm phân phối (DC) với diện tích 4.000m2, phục vụ cho khoảng 500 cửa hàng BHX. Các loại thực phẩm tươi sống sau khi được thu mua từ các hợp tác xã, sẽ được chuyển đến DC này và giao đến từng cửa hàng mỗi buổi sáng. Hiện nay, với số lượng gần 400 cửa hàng và một số cửa hàng nằm khá xa DC, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Do đó, MWG dự định sẽ xây dựng thêm DC thứ 2, tại khu vực phía Đông Sài Gòn để đảm bảo việc vận chuyển.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề trên, một yếu tố khiến cho lãnh đạo MWG đau đầu không kém chính là sức ép cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Sức hấp dẫn từ mảng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini khiến cuộc đua tranh đang ngày càng khốc liệt, không chỉ với với doanh nghiệp nội mà ngay cả các doanh nghiệp ngoại cũng không thể đứng ngoài. Các doanh nghiệp ngoại cũng đang mục tiêu bành trướng với những mục tiêu khủng không kém. Đơn cử, Family Mart dự kiến sẽ có khoảng 800 cửa hàng tiện lợi trong năm 2020, trong khi 7-Eleven đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
Chuỗi cửa hàng TGDĐ của MWG hiện đạt 45% thị phần (tăng 5% so với cùng kỳ 2017). Do vậy, dư địa tăng trưởng cũng không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh thị trường điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng đang bước vào giai đoạn bão hòa. |