Vietcombank cảnh báo khách hàng một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến, như lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo, yêu cầu xác nhận thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).
Vietcombank khẳng định: Ngân hàng không bao giờ gửi đường dẫn hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Do đó, các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo. Tinh vi hơn, đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước.
Đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra… Do đó, khi có nghi vấn lừa đảo giao dịch ngân hàng, khách hàng tạm thời khóa hoặc đổi mật khẩu dịch vụ và liên hệ với ngân hàng.
Techcombank cũng cho biết, nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch, số tài khoản của mình lên trên Facebook. Sau khi đã có một số thông tin, kẻ gian sẽ giả danh nhân viên ngân hàng, tổng đài của ngân hàng, hoặc cơ quan chức năng liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn để khai thác thông tin nhạy cảm như mã số OTP, sau đó chiếm đoạt tài khoản và lập tức rút hết tiền trong tài khoản.
Để phòng tránh lừa đảo qua giao dịch điện tử, Techcombank cảnh báo khách hàng không cung cấp các thông tin bảo mật ngân hàng điện tử; không cài đặt các phần mềm bẻ khóa (crack), can thiệp vào thiết bị, hệ điều hành; không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng không rõ nguồn gốc, hoặc đường link lạ; không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng...