Suốt thời gian qua, thị trường khá mong ngóng thông tin về việc thực hiện “Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” của các cơ quan được giao phụ trách dù chưa đến thời hạn hoàn thành. Nhắc nhở người dân thận trọng.
Nhắc nhở người dân thận trọng
Trong buổi họp báo quý IV-2017, liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) ông Nguyễn Hồng Hải đã cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến tháng 8-2017 Bộ Tư pháp mới báo cáo Thủ tướng về rà soát đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện và đề xuất định hướng hoàn thiện với Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những nội dung liên quan đến pháp luật về tài sản, tác động của tiền ảo, tài sản ảo như phòng chống rửa tiền, buôn lậu ma túy, an ninh tiền tệ…
Tiếp đến, dự kiến Bộ Tư pháp sẽ xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản về quản lý tiền ảo, tiền điện tử và tháng 12-2018 sẽ trình Chính phủ xem xét. Sau khi văn bản được ban hành, đến năm 2020 Bộ Tư pháp sẽ rà soát đề nghị sửa đổi các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Quyết định 1255 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo được ban hành vào tháng 8-2017. Trong đó, Bộ Tư pháp, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì trong Đề án này theo thời gian quy định. Đối với NHNN, trước các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm không công nhận kể từ năm 2013 đến nay, thể hiện qua nhiều lần đưa ra khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Và đại diện Bộ Tư pháp cũng vừa có phát biểu đồng tình với quan điểm này.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của NHNN trong tiếp cận vấn đề này, người dân cần lưu ý giao dịch tiền ảo rất ẩn danh; tiền ảo là dạng kỹ thuật số nên tính rủi ro rất cao, giá trị của tiền ảo biến động liên tục nên nguy cơ đầu tư rủi ro lớn, tài sản này chưa được cơ quan quản lý nhà nước quản lý… Vì vậy, người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến vấn đề này cần hết sức thận trọng, cân nhắc”.
Sẽ siết để giảm rủi ro?
Mới đây, Hàn Quốc, một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất trên thế giới, đã công bố đang soạn thảo một dự luật nhằm cấm hoàn toàn hoạt động giao dịch tiền ảo. Trước mắt trong năm nay, chính phủ Hàn Quốc sẽ đánh thuế 24,2% vào doanh nghiệp và cá nhân giao dịch tiền ảo tại các sàn giao dịch của nước này.
Tại Trung Quốc, hoạt động giao dịch tiền ảo cũng đang được siết lại bằng nhiều hình và mục tiêu sẽ tiến tới đóng cửa ngành công nghiệp đào Bitcoin, do những lo ngại về mức độ rủi ro tài chính. Còn tại Hoa Kỳ, ngày 17-1, sàn Bitconnect thông báo ngừng giao dịch và hoạt động cho vay tiền ảo. Những sự kiện này đã khiến Bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung trải qua chuỗi ngày ảm đạm.
Cùng với quan điểm bác việc công nhận tiền ảo của cơ quan quản lý tại Việt Nam, bởi tham gia vào Bitcoin và các đồng tiền điện tử tại Việt Nam được nhìn nhận là hoạt động rủi ro. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư đang kinh doanh tiền ảo lại không nghĩ như vậy. Theo ông V.T (quận Phú Nhuận, TPHCM), giao dịch các loại tiền này tại Việt Nam được thực hiện theo phương thức “ngầm”, chủ yếu mua bán kiếm lời chứ không dùng để thanh toán, và tuy rủi ro cao nhưng lại có thể làm giàu nhanh chóng. Đó là lý do mà nhiều người vẫn đầu tư vào tiền điện tử dù NHNN nhiều lần khẳng định không công nhận đồng tiền này.
Theo một chuyên gia tài chính, tâm lý trên xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý chính thức liên quan đến các đồng tiền điện tử, trong khi đó lại có khá nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia về việc nên công nhận hay không công nhận Bitcoin. Một luồng ý kiến cho rằng, nếu công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, cho chính sách tiền tệ và cả người giao dịch. Nhưng vẫn còn nhiều ý kiến công khai cho rằng, không nên cấm vì đây là xu hướng chung của thế giới, thay vào đó cần có giải pháp để quản lý.
Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý, nếu chấp nhận Bitcoin sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn là vấn đề rửa tiền. Khi đó, những người rửa tiền có thể dùng đồng Bitcoin để chuyển lượng tiền rất lớn từ Việt Nam ra nước ngoài nhanh chóng, thậm chí kể cả vấn đề khủng bố có thể tài trợ được bằng những đồng tiền Bitcoin. Còn nhìn từ thực tế, nhiều nhà đầu tư đã thiệt hại thậm chí trắng tay, do đầu tư tiền ảo dẫn đến nợ nần chồng chất chính là minh chứng rõ ràng nhất cho rủi ro của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.