Trung Quốc chiếm trên 50% sản lượng
Tại hội thảo có chủ đề “Ngành thép Việt Nam với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong tình hình mới” diễn ra mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa đã đưa ra cảnh báo thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản suất.
Theo dự báo từ Hiệp hội Thép thế giới, triển vọng tăng trưởng thép toàn cầu 2019 dự kiến đạt 1,82 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2018. Riêng tại thị trường Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2019, lượng sản xuất thép thô đã đạt 577 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước; dự kiến cả năm 2019 sẽ đạt sản lượng 1 tỷ tấn, chiếm hơn 50% sản lượng thép trên toàn cầu. Hiện nay, sản xuất thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới, với 14,5 triệu tấn thép năm 2018.
Một điểm đáng chú ý khác được các chuyên gia cảnh báo, đó là tiêu thụ thép nội địa trên toàn cầu cũng đang trong chiều hướng chựng lại, tình hình cung vượt cầu đang là nỗi lo đáng ngại nhất của ngành sản xuất thép. Tình hình tương tự cũng diễn ra ngay tại quốc gia sản xuất hơn 50% lượng thép toàn cầu.
Tính đến tháng 8-2019, doanh số bán thép phục vụ ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Trung Quốc đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong 14 tháng liên tiếp. Doanh số bán thiết bị chế tạo từ thép cũng giảm đáng kể. Vì vậy, nguồn thép dư thừa do sản lượng tăng vọt đang tràn vào Đông Nam Á và một số nơi khác, gây áp lực giảm giá cho thị trường thép châu Á nói chung.
Không cấp phép đầu tư tràn lan
Đến thời điểm này, một trong những hãng sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đặt tại Hà Tĩnh đang phải cân nhắc việc ngừng kế hoạch xây dựng mở rộng nhà máy. Nguyên nhân là do lo ngại tình hình hiện nay có thể đẩy các sản phẩm thép rẻ tiền từ Trung Quốc sang Việt Nam và khiến giá vật liệu này lao dốc.
Nhà máy thép này hiện có khả năng sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm và đã lên kế hoạch xây dựng một lò cao khác vào năm 2020 để tăng công suất lên hơn 10 triệu tấn trong thời gian tới và 22,5 triệu tấn trong tương lai. Lâu nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, trong đó 40% đến từ Trung Quốc. Khi thép không bị đánh thuế quan, các sản phẩm giá rẻ này sẽ tiếp tục đổ bộ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo đánh giá của VSA, năng lực sản xuất thép đã đáp ứng dư thừa nhu cầu các chủng loại sản phẩm thép, đặc biệt là thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu thép không gỉ cán nguội đang gặp khó khăn vì có nhiều nhà sản xuất lớn ở Đông Nam Á và nguồn cung trong khu vực vượt quá nhu cầu từ thị trường.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ và EU cũng khó do bị áp thuế chống bán phá giá. “Thị trường thép trong nước, đặc biệt loại thép không gỉ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đổ bộ của các sản phẩm Trung Quốc. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp không nên đầu tư thêm vào các dự án thép không gỉ cán nguội, vì sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất và làm giảm hiệu quả đầu tư”, đại diện VSA nhấn mạnh.
VSA vừa kiến nghị cơ quan chức năng không cấp phép các dự án thép không gỉ mới vào Việt Nam nhằm tránh mất cân đối cung cầu, cũng như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Bởi lẽ các nhà sản xuất thép trong khu vực đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam; thậm chí đã đồng ý bán sản lượng của họ ở mức thua lỗ để giành được nhiều đơn đặt hàng hơn và trang trải chi phí vận hành cố định.
Đồng thời, VSA cũng đưa ra khuyến nghị chỉ nên khuyến khích cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án sản xuất hợp kim và thép chất lượng cao trong nước đang thiếu.
Thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện được niêm yết ở mức 500USD/tấn, giảm 10% so với một năm trước. Giá sẽ giảm sâu hơn nữa nếu thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh của doanh nghiệp thép trong nước với hàng nhập khẩu thêm gia tăng. |