Chị Phương Anh quận Thanh Xuân, Hà Nội là chủ một cửa hàng quần áo. Do cần tiền để nhập hàng, mở rộng kinh doanh, chị đã đến ngân hàng để vay 300 triệu đồng nhưng đã bị từ chối, vì vài tháng trước chị có nợ xấu nhóm 4 tại một ngân hàng khác. Bởi quá cần vốn, chị đã tìm kiếm trên mạng và thấy nhiều quảng cáo về dịch vụ "xóa nợ xấu" tại CIC.
"Như trường hợp của tôi, chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng, sau một ngày nợ xấu của tôi sẽ được xóa hoàn toàn và dễ vay vốn hơn. Tôi đồng ý trả trước 50% phí dịch vụ là 5 triệu đồng. 3 ngày sau, tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào và cũng không thể liên lạc với họ. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa", chị Phạm Phương Anh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
Vì trễ hẹn quá lâu trong việc thanh toán tiền khi mua nhà trả góp nên chị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể vay tiền ở bất kỳ ngân hàng nào. Bí quá, chị đã tìm kiếm thông tin trên mạng và thấy có rất nhiều trang quảng cáo sẽ xóa được nợ xấu, cam kết tạo được hồ sơ sạch với nội dung sẽ lo từ A - Z.
"Phí họ đưa ra là 12 triệu đồng. Sau một hồi tư vấn, tôi được họ giảm giá và "chốt" là 9 triệu đồng. Tôi tin lời họ sẽ xóa nợ xấu cho mình, sau này sẽ không ảnh hưởng đến việc vay vốn của các ngân hàng nên tôi đồng ý trả tiền cho họ, nhưng sau đó tôi mới biết mình đã bị lừa và sập bẫy của những người lừa đảo", chị Nguyễn Thị Thu Hà, Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.
Sau COVID-19, nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp tăng cao để phục vụ tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, dịch vụ xóa nợ xấu hay che nợ xấu này càng được quảng cáo rộng rãi, phổ biến dưới nhiều hình thức.
Không thể xóa nợ xấu tại CIC
Thông tin về lịch sử nợ xấu sẽ được lưu giữ trong thời gian tối đa 5 năm trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
"Trên thực tế, không có một tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp được vào cái cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam. CIC chỉ thực hiện điều chỉnh thông tin trên cơ sở đề nghị của các tổ chức tín dụng báo cáo thông tin. Khi yêu cầu chỉnh sửa thông tin, các tổ chức phải nêu rõ những nguyên nhân xảy ra sai sót và CIC thực hiện điều chỉnh dữ liệu theo quy trình chặt chẽ.
Khi phát hiện thông tin có sai sót, khách hàng vay có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam qua các kênh điện tử, hoặc điện thoại trực tiếp cho CIC, hoặc có thể cung cấp, liên hệ với các tổ chức tín dụng để thông báo về thông tin của mình có sai sót. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, sau khi nhận được yêu cầu điều chỉnh thông tin sai sót, CIC hay tổ chức tín dụng đều phải kiểm tra lại thông tin dữ liệu của khách hàng. Trong trường hợp thông tin thực sự có sai sót thì phải điều chỉnh dữ liệu và sau khi điều chỉnh thì phải thông báo cho khách hàng vay biết được thông tin đã được điều chỉnh.
Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra những thông tin về doanh nghiệp và chính bản thân mình tại cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam để khi phát hiện ra những thông tin không chính xác, chúng ta có thể yêu cầu các đơn vị liên quan chỉnh sửa các thông tin của mình để đảm bảo quyền lợi. Khi liên hệ với Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam, chúng ta cũng có thể được tư vấn cách có thể nâng được điểm tín dụng hoặc độ tín nhiệm của mình", ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, thông tin.
Như vậy, khi có nợ xấu ngân hàng, khách hàng tuyệt đối không nên tin vào những lời chào mời, giới thiệu các dịch vụ che nợ, xóa nợ xấu, bởi tất cả thông tin tín dụng liên quan đến một khách hàng sẽ được lưu trữ theo thời gian theo đúng quy định của pháp luật, không một đối tượng hay cơ quan nào có thể tùy tiện xóa đi được.