TP Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng, được các chuyên gia giao thông đánh giá đây là nhánh chủ lực vì nhánh này mở ra phía Bắc, vốn là tuyến giao thông quan trọng. Với vị trí của mình, TP Hồ Chí Minh cần thêm những cao tốc khác để tạo nên một cú hích cho phát triển vùng.
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào hoạt động, ùn tắc diễn ra khiến cho các ngành chức năng phải thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Điều này cho thấy, cao tốc này đã và đang đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân và cả doanh nghiệp.
Ông Đặng Hùng Thái - Giám đốc quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: "Cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, trước đây là khoảng trên 4 tiếng, giờ còn khoảng 2 tiếng hoặc 2 tiếng rưỡi. Thúc đẩy toàn bộ khu công nghiệp của tỉnh Bình Thuận, địa phận Lagi, Hàm Tân; các điểm du lịch khác như Vũng Tàu".
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chỉ có 17% số lượng đường cao tốc so với cả nước. Trong khi đó, để di chuyển giữa các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam, rất cần phải có cao tốc. Thế nhưng, hiện tại chỉ có hai cao tốc duy nhất là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Hai cao tốc này hiện đang quá tải và vẫn chưa có cao tốc nối với những cao tốc này để giảm tải.
Ước tính, trong thời điểm này, TP Hồ Chí Minh cần ít nhất những cao tốc sau: Ở phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài hướng đi Tây Ninh. Nhanh chóng hoàn thiện cao tốc Bến Lức Long Thành để tạo thuận lợi khi di chuyển sang sân bay quốc tế Long Thành.
Đã gần 20 năm nay, điểm nghẽn về giao thông vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất cho phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.
Các tỉnh đều đã ký những biên bản ghi nhớ về liên kết vùng. Lúc này, điều cần nhất là một "nhạc trưởng" để thúc đẩy và hiện thực hóa quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc, là đến năm 2030 hệ thống đường cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tổng chiều dài hơn 1.200 km.